|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ phát hiện một loại vắc-xin đầy hứa hẹn phòng chống dịch ASF

15:00 | 30/01/2020
Chia sẻ
Chính phủ và các chuyên gia tại Mỹ đã phát triển một loại vắc-xin, được chứng minh có hiệu quả 100%, chống lại dịch tả heo châu Phi (ASF), theo Hội Vi sinh vật học Mỹ.

Bloomberg trích nguồn báo cáo cho biết cả liều lượng lớn và nhỏ của vắc-xin đều có hiệu quả đối với heo khi trải qua 28 ngày thách thức sau khi được tiêm chủng.

Vắc-xin được phát triển từ một chủng biến đổi gen của virus.

"Vắc-xin virus ASF mới thử nghiệm này cho thấy tiềm năng và mang lại sự bảo vệ toàn diện chống lại chủng virus hiện tại đang gây ra sự bùng phát trên khắp miền Đông châu Âu và châu Á", theo ông Douglas Gladue, nhà nghiên cứu quan trọng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nơi phát triển vắc-xin.

Virus đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho Trung Quốc, nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới, với trường hợp nhiễm virus đầu tiên được báo cáo vào khoảng một năm rưỡi trước. Kể từ đó, đàn heo của quốc gia châu Á đã giảm, với tác động lan sang khắp thị trường nông nghiệp toàn cầu.

Giới khoa học từ Trung Quốc tới Mỹ đã chạy đua để phát triển vắc-xin phòng chống virus gây chết ở heo nhưng không ảnh hưởng tới con người.

Hiện tại chưa có vắc-xin thương mại chống lại căn bệnh được phát hiện hơn 100 năm trước tại châu Phi. Ở dạng độc hại nhất, virus có thể gây tử vong 100%. Virus lây truyền qua heo nuôi và heo rừng, và các trường hợp bùng phát đã được báo cáo tại miền Đông châu Âu, Nga và trên khắp châu Á, gồm cả Việt Nam và Hàn Quốc.

"Dịch tả heo châu Phi có lẽ là mối đe dọa dịch bệnh nguy hiểm nhất hiện tại đối với an ninh lương thực toàn cầu", Giáo sư James Wood, người đứng đầu phòng thú ý tại Đại học Cambridge, cho biết.

Mặc dù mất 50 năm để nghiên cứu, các chuyên gia vẫn chưa thể phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả chống lại dịch tả heo châu Phi. Tại Trung Quốc, các báo cáo về những loại vắc-xin thử nghiệm và không chính thức được đưa ra vào năm ngoái, làm dấy lên lo ngại việc sử dụng chúng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Nghiên cứu về vắc-xin phòng virus ASF bắt đầu sau đợt bùng phát vào năm 2007 tại Cộng hòa Georgia, ông Gladue cho hay. Sẽ cần thực hiện thêm các nghiên cứ để đáp ứng qui định trước khi thương mại hóa sản phẩm vắc-xin, ông nói thêm.

Lyly Cao