|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ lại xảy ra đình công, hơn 75.000 nhân viên ngành y tế tham gia

08:45 | 05/10/2023
Chia sẻ
Hàng chục nghìn nhân viên của hệ thống y tế Kaiser Permanente đã đình công vì không hài lòng với tiền lương và tình trạng thiếu hụt nhân sự. Trước đó, Mỹ đã chứng kiến các cuộc đình công lớn của lao động ngành ô tô và đội ngũ nhà biên kịch Hollywood.

Các nhân viên tập trung trước Trung tâm Y tế Los Angeles của Kaiser Permanente hôm 4/10. (Ảnh: WSJ). 

Gửi đi thông điệp

Hơn 75.000 y tá, dược sĩ và các nhân viên khác của hệ thống y tế Kaiser Permanente đã đồng loạt nghỉ làm hôm 4/10, đánh dấu cuộc đình công y tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Người lao động phản ứng sau khi hợp đồng của họ hết hạn và Kaiser không thể thống nhất với các công đoàn về mức tăng lương cũng như số nhân viên sẽ tuyển dụng thêm trong thỏa thuận mới.

Để giảm thiểu tác động tới bệnh nhân, Kaiser cho biết họ đã thuê hàng nghìn nhân viên tạm thời. Và nếu cần thiết, công ty sẽ hoãn một số buổi hẹn và giới thiệu bệnh nhân sang các hiệu thuốc bán lẻ hoặc các bệnh viện không thuộc hệ thống Kaiser. Công ty khẳng định: “Nhu cầu cấp thiết của thành viên hệ thống và bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Sau khi cuộc đình công bắt đầu, Kaiser đã thông báo cho bệnh nhân về hơn 20 cơ sở dự kiến sẽ đóng cửa, bao gồm các hiệu thuốc, trung tâm phẫu thuật cấp cứu và các địa điểm khác.

Bà Edith Hurtado, trợ lý y tế cho Kaiser, tham gia đình công trước Trung tâm Y tế Kaiser Permanente San Francisco với mục tiêu yêu cầu hệ thống này phải giải quyết tình trạng thiếu nhân viên.

Bà nói: “Chúng tôi ở đây để gửi thông điệp tới Kaiser”. Dự kiến cuộc đình công sẽ kéo dài tối đa ba ngày, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Quyền Bộ Trưởng Bộ Lao Động Mỹ Julie Su đã gặp gỡ hai bên để giúp giải quyết cuộc đình công và đang tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Động thái của nhân viên Kaiser đã khiến danh sách các nơi làm việc bị gián đoạn bởi làn sóng đình công trong năm nay dày thêm. Trước đó, các công nhân ngành ô tô và các nhà biên kịch Hollywood đã ngừng làm việc. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, Mỹ đã mất nhiều ngày làm việc vì xung đột lao động hơn bất kỳ năm nào khác kể từ năm 2000.

Nhờ sự ủng hộ của công chúng và thị trường lao động mạnh mẽ, các công đoàn đã trở nên mạnh mẽ hơn và đang tận dụng sức mạnh để yêu cầu mức lương cao hơn. Người lao động cũng nhận thấy là các cuộc đình công trong những lĩnh vực khác đem lại thắng lợi.

Kaiser, có trụ sở tại thành phố Oakland, bang California, là cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực y tế. Kaiser tiên phong trong việc kết hợp giữa các công ty bảo hiểm y tế, bệnh viện và văn phòng bác sĩ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao với chi phí phải chăng.

Hệ thống này phục vụ 12,7 triệu thành viên tại 40 bệnh viện và hơn 620 văn phòng y tế, chủ yếu ở khu vực Bờ Tây nhưng cũng có mặt ở Colorado, Georgia, Hawaii, Maryland và Virginia. Kaiser có khoảng 213.000 nhân viên không phải là bác sĩ.

Cuộc đình công được dự kiến sẽ kéo dài tối đa ba ngày. (Ảnh: WSJ). 

Kiệt sức

Cuộc đình công được thực hiện bởi nhân viên Kaiser tại 5 bang và khu vực Washington D.C, bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân, chẳng hạn như dược sĩ và bác sĩ trị liệu hô hấp, cũng như các nhân viên khác, ví dụ như kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên nhà bếp và lao công. Đây là cuộc đình công lớn nhất của các nhân viên y tế kể từ khi Cục Thống kê Lao động thu thập dữ liệu từ năm 1993.

Phía công đoàn nói rằng lạm phát đã bào mòn lương của các nhân viên Kaiser. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt lao động khiến nhân viên bị kiệt sức và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.

Bà Georgette Bradford, kỹ thuật viên siêu âm tại cơ sở Kaiser Permanente ở bang California, cho biết các nhân viên đang yêu cầu Kaiser nỗ lực hơn nữa để tăng cường tuyển dụng và giữ chân người lao động, chẳng hạn như cung cấp mức tăng lương tốt hơn. Bà cho biết: “Mức lương hiện tại không theo kịp chi phí sinh hoạt. Chúng ta đang để mất nhân viên”.

Kaiser cho biết công ty đã tăng cường tuyển dụng và mức lương họ cung cấp thuộc top đầu thị trường. Phát ngôn viên cho biết Kaiser đã thuê thêm 10.000 người trong năm nay.

Giống như các hệ thống y tế khác, Kaiser cũng đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên do đại dịch COVID-19. Nhưng người phát ngôn nói rằng công ty đã bổ sung hơn 50.000 nhân viên vào biên chế trong hai năm qua và đang tiếp tục tuyển dụng.

Kaiser đã đề xuất tăng lương từ 12,5% đến 16% trong tổng cộng 4 năm, tùy thuộc vào địa điểm. Phía công đoàn nói rằng mức tăng này không đủ để bù đắp lạm phát. Họ yêu cầu mức tăng lương 24,5%, tờ WSJ cho hay. 

Tình hình tài chính của Kaiser đã phục hồi sau khi sụt giảm vào năm 2022 do lạm phát và sức nóng của thị trường lao động. Kaiser báo cáo lợi nhuận ròng 3,3 tỷ USD và doanh thu 50,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Giang