Mỹ hưởng lợi nhờ OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg. |
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng ban đầu có hiệu lực đến hết tháng 3/2018, nhưng Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, trong đó có Nga, vừa nhất trí kéo dài thỏa thuận này đến hết năm 2018 trong cuộc họp hôm qua (30/11) tại Vienna, Áo.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu mỏ trên thị trường vẫn đang dư thừa mặc cho nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các quốc gia đối tác.
Châu Á đẩy mạnh mua dầu từ Caribbean và Vịnh Mexico
Trước khi OPEC ra thông báo chính thức về quyết định duy trì thỏa thuận này, các nhà máy lọc dầu châu Á, khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng cường tìm hiểu thông tin các lô dầu từ Vịnh Mexico và khu vực Caribbean, đặc biệt là từ Mỹ, Mexico, Venezuela và Colombia.
“Các nhà máy lọc dầu châu Á tìm hiểu rất nhiều về dầu mỏ từ Vịnh Mexico và khu vực Caribbean. Sau khi OPEC ra quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng, các yêu cầu thông tin nhanh chóng biến thành các đơn đặt hàng”, một nhà môi giới yêu cầu được giấu tên cho biết.
Mỹ hưởng lợi từ quyết định của OPEC và các nước đối tác
Thách thức lớn nhất của OPEC và Nga trong chiến lược cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu là việc này giúp sản lượng và thị phần dầu thô của Mỹ tăng lên.
Theo số liệu của Thomson Reuters Eikon, các lô hàng dầu vận chuyển từ Vịnh Mexico và khu vực Caribbean đến các trung tâm dầu mỏ chính của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã tăng vọt từ 500 nghìn thùng/ngày trong tháng 1, thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu có hiệu lực, lên hơn 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11 và 12.
Trong đó, châu Á tăng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ do sản lượng dầu đá phiến nước này tăng vọt.
“Sản lượng dầu đá phiến sẽ tăng tương đương sản lượng mà OPEC cắt giảm. Vì thế, lượng dầu tăng thêm mà châu Á nhập khẩu phần lớn đến từ Mỹ”, ông Oystein Berentsen, giám đốc điều hành giao dịch dầu thô của hãng Strong Petroleum tại Singapore, cho biết.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 9,68 triệu thùng/ngày vào tuần trước, theo thống kê của chính phủ nước này.
“Bên hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC chính là các nhà sản xuất Mỹ”, ông Matt Stanley, chuyên gia môi giới tại công ty giao dịch hàng hóa Freight Investor Services, cho biết.
Trong khi đó, hãng tư vấn Rystad Energy dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt 9,9 triệu thùng/ngày vào năm nay, tiến gần mức sản lượng của hai cường quốc dầu mỏ Saudi Arabia và Nga.
Xuất khẩu dầu thô từ Bắc Mỹ đến châu Á tăng vọt làm lợi cho các công ty vận chuyển vì đây là một trong những tuyến thương mại dài nhất thế giới.
Lộ trình vận chuyển dầu từ Mỹ đến châu Á dài gấp đôi tuyến đường từ Trung Đông đến các trung tâm giao dịch lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
“Chúng tôi tin rằng tuyến đường dầu mới này (từ Bắc Mỹ đến châu Á) sẽ ngày càng nhộn nhịp và các hãng vận chuyển sẽ hưởng lợi trong dài hạn”, ông Robert Hvide Macleod, giám đốc hãng Frontline Management, cho biết.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài cũng sẽ tác động đến sản lượng lọc dầu. Dầu thô Mỹ tương đối ngọt và nhẹ hơn so với dầu thô từ Trung Đông.
Ông Mike Petrut, chuyên gia nghiên cứu dầu khí tại hãng nghiên cứu thị trường Industrial Info Resources Oceania tại Perth, Australia, cho biết nguồn cung dầu thô ngọt nhẹ từ Mỹ tăng sẽ kéo sản lượng lọc dầu của các nhà máy châu Á tăng theo, trong khi làm giảm sản lượng các các loại nhiêu liệu nặng như dầu mazut.
OPEC quyết định tiếp tục giảm sản lượng dầu thô đến hết năm 2018
Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018 do ... |
Nga - Mỹ đang tạo ra những thách thức mới đối với thỏa thuận giảm sản xuất của OPEC
Theo Reuters, sản lượng dự báo tăng mạnh ở Nga, cùng với số giàn khoan dầu mọc thêm tại Mỹ đang đe dọa tới nỗ ... |