Mỹ: Doanh số bán lẻ phục hồi nhưng lĩnh vực chế tạo vẫn giảm
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 15/11 cho thấy doanh số bán lẻ của nước này đã phục hồi ở mức vừa phải trong tháng 10 năm nay, mặc dù người tiêu dùng đã bớt mua các mặt hàng gia dụng giá trị lớn như đồ nội thất và đồ điện tử.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phải đón nhận một số thông tin không mấy lạc quan về lĩnh vực chế tạo.
Sự phục hồi trên phản ánh giá bán các phương tiện môtô và giá xăng tăng cao hơn trong giai đoạn này.
Các nhà sản xuất ôtô đã báo cáo sự sụt giảm doanh số bán ra trong tháng 10 vừa qua. Nhưng so với cùng kỳ năm 2018, doanh số bán lẻ của nhóm hàng này đã tăng 3,1%.
Khi không bao gồm giá bán ôtô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ cốt lõi của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, con số này của tháng Chín đã được điều chỉnh xuống thấp hơn là giảm 0,1% thay vì không thay đổi như báo cáo trước.
Ông Joel Naroff, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính Naroff Economy Advisors cho rằng người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu, nhưng không đủ mạnh mẽ để hỗ trợ các lĩnh vực khác, đặc biệt là đầu tư kinh doanh.
Dựa trên những số liệu mới nhất, các nhà kinh tế ước tính rằng chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm hơn 60% nền kinh tế Mỹ - có thể tăng trưởng ở mức khoảng 1,5% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước. Nếu điều đó thành sự thật, đó sẽ là mức suy giảm đáng kể so với mức tăng 2,9% được ghi nhận trong giai đoạn quý 3.
Một báo cáo khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cùng ngày thứ Sáu cho thấy lĩnh vực chế tạo Mỹ đã chìm sâu hơn vào suy thoái trong tháng 10 vừa qua, với sản lượng tại các nhà máy đã giảm 0,6% - mức giảm cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Trước đó, sản lượng các nhà máy của Mỹ đã giảm 0,5% vào tháng Chín vừa qua.
Theo báo cáo, sự suy giảm này là vì sản lượng của ngành sản xuất xe cơ giới thụt lùi tới 11,1% do cuộc đình công kéo dài 40 ngày tại General Motors. Không bao gồm sản xuất ôtô, sản lượng chế tạo của Mỹ giảm 0,1% trong tháng trước.
Ngay cả khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh phần nào “hạ nhiệt,” chưa có dấu hiệu nào cho thấy niềm tin kinh doanh và sản xuất của Mỹ sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới.
Bà Sarah House, một nhà kinh tế cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Wells Fargo Securities, nhận định rằng giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn yếu và chính sách thương mại vẫn chưa chắc chắn, hoạt động của ngành chế tạo tại Mỹ sẽ vẫn khá yếu ớt trong vài tháng tới.
Những dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang “hạ nhiệt” nhanh hơn dự kiến của các nhà kinh tế, cùng với thông tin rằng hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã sụt giảm trở lại vào tháng 10 vừa qua, đã làm hồi sinh những mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ sắp “giảm tốc” sau một loạt dữ liệu khá lạc quan gần đây.
Sau khi các báo cáo trên được đưa ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta đã cắt giảm ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 4 này từ 1,0% trước đó xuống còn 0,3%, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng với tốc độ 1,9% trong quý 3.