|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường: Thiệt hại không chỉ với doanh nghiệp Việt

14:51 | 06/08/2024
Chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, việc Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, không chỉ khiến Việt Nam phải chịu những tổn hại nhất định, mà chính các doanh nghiệp Mỹ khi làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu những chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, đã có 73 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Thiệt hại không chỉ phía Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Mỹ. 

Với sự phát triển kim ngạch thương mại giữa hai nước, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ khiến Việt Nam phải chịu những tổn hại nhất định.

Đối với doanh nghiệp, quy trình xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Mỹ sẽ lâu hơn, phức tạp hơn và chi phí tuân thủ các quy trình, thủ tục sẽ nhiều hơn so với các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, với những quy chế bảo hộ sản xuất nội địa của Mỹ sẽ khiến cho hàng hóa từ các nước không được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ chịu thiệt hại hơn, dễ bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá và khi bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá thì lại không được công nhận là các chi phí đầu vào hợp lý.

  TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

Không chỉ phía Việt Nam, ông Việt cũng cho rằng, chính các doanh nghiệp Mỹ khi làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu những chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn so với việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó bao gồm cả những mặt hàng truyền thống như từ nông, thủy sản đến dệt may, đồ gỗ, da giày cho đến những mặt hàng cao cấp và có giá trị cao như điện thoại, thiết bị máy móc điện tử.

Hay những mặt hàng điện tử có giá trị cao, không chỉ là những nhà trung gian mà là những nhà sản xuất trực tiếp như: Apple, Microsoft, Google… đều đã kết nối trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.

“Khi chịu hao tổn về chi phí, có thể doanh nghiệp sẽ chuyển sang các thị trường khác ngoài Việt Nam mà có tính cạnh tranh cao”, ông Việt nhìn nhận.

Có thể 'tuột mất' cơ hội gia tăng thị phần

Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính đến tháng 6, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc. Dự báo, các vụ kiện sẽ tiếp tục gia tăng khi kinh tế Mỹ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất nước tại Mỹ gặp khó khăn.

Theo bà Hiền, hàng hóa từ các nền kinh tế chưa được công nhận là thị trường sẽ chịu thiệt thòi khi phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Cụ thể, với mặt hàng tôm nuôi đông lạnh, nếu nhập khẩu từ Việt Nam, thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho Việt Nam lên tới gần 26%, gấp gần 5 lần so với tôm từ Thái Lan (đã được công nhận nền kinh tế thị trường).

“Điều này, cản trở và có thể làm chậm quá trình xuất khẩu, thậm chí "tuột mất" cơ hội gia tăng thị phần khi bị đối thủ cạnh tranh chớp thời cơ", bà Hiền nêu rõ.

Đặc biệt, Mỹ vẫn sẽ đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Vì vậy, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là điều đáng tiếc.  

"Nếu được công nhận ở thời điểm hiện nay, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đặc biệt sẽ hạn chế được việc hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị điều tra, kiện chống bán phá giá, áp thuế chống bán phá giá. Như vậy, doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên, từ đó góp phần vào thúc đẩy kinh tế", bà Hiền nhìn nhận. 

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết thông thường, đối với các nước mà Mỹ công nhận là kinh tế thị trường, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị về chi phí của nước đó để tính giá bán tại thị trường nước xuất khẩu rồi so sánh với giá xuất khẩu của sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá.

Với các nền kinh tế Mỹ coi là phi thị trường, các giá trị này sẽ được DOC tham chiếu từ nước thứ ba mà Mỹ coi là kinh tế thị trường với điều kiện mức độ phát triển kinh tế tương đồng. Điều này, thường sẽ dẫn đến mức chênh lệnh lớn giữa sử dụng giá trị trực tiếp tại nước xuất khẩu và giá trị tham chiếu từ nước thứ ba khiến thuế bán phá giá bị đẩy lên rất cao gây bất lợi cho hàng hóa của nước bị điều tra.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: NVCC). 

Do đó, ông Thịnh cho rằng, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm thuế nhập khẩu áp lên nhiều sản phẩm trong nước vào thị trường này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Ngược lại, về phía Mỹ, các doanh nghiệp FDI của nước này tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi được đối xử công bằng khi xuất khẩu về Mỹ.

"Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Mỹ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), và Hiệp hội các nhà bán lẻ Mỹ", ông Thịnh nêu rõ.

Vì vậy, thời gian tới, ngoài tiếp tục nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận và gửi hồ sơ yêu cầu xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, ông Thịnh cho rằng, Việt Nam cũng cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tăng cường các thông tin, phối hợp giải trình, giải thích, cũng như vận động cộng đồng thế giới.

Ngọc Bảo