|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ, châu Âu và châu Á chịu ảnh hưởng như thế nào trong cuộc khủng hoảng giá năng lượng lịch sử?

23:00 | 10/10/2021
Chia sẻ
Mỹ, châu Âu và châu Á chịu ảnh hưởng như thế nào trong cuộc khủng hoảng giá năng lượng lịch sử?
Mỹ, châu Âu và châu Á chịu ảnh hưởng như thế nào trong cuộc khủng hoảng giá năng lượng lịch sử? - Ảnh 1.

Những kiện rơm khô tròn trên cánh đồng trước nhà máy điện vận hành gần Rommerskirchen, Đức. (Nguồn: Ying Tang/Getty Image).

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang khiến giá khí đốt tự nhiên ở Anh, châu Âu và châu Á tăng vọt lên các mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức giá cao ngất ngưởng ở châu Âu sẽ khó có thể lan sang Mỹ.

Điều kiện thời tiết mùa Đông là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu tiêu thụ năng lượng và môi trường giá. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng Mỹ đang có vị thế tốt hơn trước thềm những tháng ngày lạnh giá, bởi nước này sở hữu nhiều cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, trong khi hàng tồn kho cũng không ở mức cạn kiệt như khu vực châu Âu.

Tình trạng giá năng lượng tăng đột biến…

Francisco Blanch, người đứng đầu lĩnh vực hàng hóa toàn cầu, công cụ phái sinh và chiến lược đầu tư tài sản chéo tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, cho biết vào tuần trước trên CNBC rằng: "Tình hình hiện tại là tương đối hiếm gặp, khi mà giá của tất cả các loại năng lượng đều tăng".

Tuy nhiên theo chuyên gia này, "nước Mỹ dường như nằm ngoài xu hướng (thiếu hụt) năng lượng so với phần còn lại của thế giới".

Điều này không có nghĩa là môi trường giá năng lượng của Mỹ không biến động. Hợp đồng khí đốt tự nhiên giao tháng 11/2021 của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2008 vào ngày 5/10. Đến ngày 6/10, hợp đồng này được giao dịch ở mức 6,466 USD/MMBtu (MMBtu là 1 triệu đơn vị nhiệt Anh).

Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn sau đó đã giảm song vẫn ở trên đà hướng tới tuần tăng thứ bảy liên tiếp. Hợp đồng này hiện được giao dịch ở mức khoảng 5,63 USD/MMBtu, cao hơn gấp đôi so với giá hồi đầu năm.

Tuy nhiên, tình hình ở những nước khác lại đang nghiêm trọng hơn nhiều. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank lưu ý rằng giá năng lượng ở châu Âu hiện đã tăng gấp 5 lần, trong khi giá ở Mỹ và châu Á tăng khoảng 1,5 lần. Thậm chí, để diễn tả sự chuyển động đột biến của giá năng lượng tại châu Âu, người ta đã liên tưởng đến kịch bản khi giá dầu được giao dịch quanh ngưỡng 200 USD/thùng (so với mức hiện nay chỉ khoảng 80 USD/thùng).

Các nhà phân tích của Deutsche Bank nhận định: "Không thể đánh giá thấp sức ảnh hưởng của môi trường giá năng lượng cao đối với lạm phát, tăng trưởng và các lĩnh vực bên ngoài. Đây là một vấn đề lớn".

…sẽ không sớm kết thúc

Trên các thị trường, giá than và dầu cũng đang tăng vọt. Giá dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ đã đạt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 vào hôm 8/10. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc cũng được giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2018.

Có nhiều lý do thúc đẩy sự tăng giá khí đốt tự nhiên và các mặt hàng như dầu mỏ và than nói chung. Nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng trở lại khi các nền kinh tế tái hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng trở lại với các hoạt động trước đại dịch. Trong khi đó, các nhà sản xuất năng lượng, những người đã trải qua thời kỳ suy thoái chưa từng có vào năm 2020, lại đang ngần ngại trước việc gia tăng sản lượng.

Một mùa Đông 2020 lạnh hơn và kéo dài hơn dự kiến có nghĩa là mức tồn kho năng lượng của châu Âu đã rơi xuống dưới mức trung bình. Ngoài ra, tốc độ gió thổi chậm và điều kiện thời tiết khô hạn cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng năng lượng tái tạo. Cùng với việc "lục địa Già" đã hạn chế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, một cuộc cạnh tranh để giành lấy nguồn cung khí đốt tự nhiên đã xuất hiện.

Sản lượng khí đốt của châu Âu đã giảm trong hai thập kỷ qua và lục địa này hiện phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, Chính phủ Nga lại đang hạn chế nguồn cung sang châu Âu trong năm 2021 vì một số động cơ chính trị. Mặc dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này cho biết Nga có thể tăng sản lượng để giảm bớt căng thẳng ở châu Âu.

Trong khi đó, châu Âu không phải là nơi duy nhất cần nguồn cung cấp năng lượng. Nhu cầu của châu Á cũng đang tăng vọt khi các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đang chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào than đá.

Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford đã miêu tả rằng một loạt những yếu tố này đang tạo ra một "cơn bão hoàn hảo". Nước Mỹ có những vấn đề về điện năng của riêng mình, như đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng điện ở Texas vào mùa Đông năm ngoái khi hàng triệu người dân bị bỏ mặc trong bóng tối trong nhiều ngày.

Robert Thummel, Giám đốc điều hành tại TortoiseEcofin, cho biết sự thiếu hụt năng lượng tại châu Âu không phải do thiếu nguồn cung cấp, mà là do thiếu cơ sở hạ tầng - đặc biệt là đối với sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng.

Theo Giám đốc Robert Thummel, nước Mỹ sẽ không thể giúp đỡ châu Âu, bởi đơn giản là họ không có đủ cơ sở hạ tầng cho cả hai bên (bao gồm Mỹ và châu Âu), hoặc thậm chí là ba bên (cùng với châu Á).

Giám đốc Thummel cho rằng giá khí đốt tự nhiên sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Một mùa Đông với nhiệt độ trung bình có thể đẩy giá tăng nhẹ thêm khoảng 3-4 USD/MMBtu, trong khi ở môi trường nhiệt độ ấm hơn, con số này có thể chỉ tăng từ 2,50-3/MMBtu. Mặt khác, nếu nhiệt độ giảm mạnh, giá có thể tăng vọt lên mức hai con số.

Mặc dù Mỹ đang ở vị thế tốt hơn so với châu Âu khi bước vào mùa Đông, nhưng những biến động mạnh mẽ như vậy trên thị trường năng lượng nước ngoài thực sự có tác động toàn cầu. Tuần này, ngân hàng Credit Suisse đã nâng dự báo giá khí đốt trong quý IV/2021 thêm hơn 60% - từ 3,50 USD/MMBtu lên 5,75/MMBtu.

Theo ngân hàng Credit Suisse, những yếu tố như hàng tồn kho hạn chế trong mùa Đông và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng cao đã dẫn đến một kịch bản tăng giá ngoài tưởng tượng.

Đồng quan điểm này, ngân hàng JPMorgan cũng đã nâng dự báo giá khí đốt trung bình hàng năm trong năm 2022 thêm 1,70 USD/MMBtu, lên mức 4,81 USD/MMBtu kèm lời nhận xét: "Sự tăng giá ở mức không thể tưởng tượng, trong khi giảm giá rất hạn chế".

JPMorgan ước tính mức giá khí đốt trung bình ở mức 5,50 USD/MMBtu trong quý hiện tại, nâng mức giá trung bình của năm 2021 lên 3,65 USD/MMBtu.

Phương Nga