MWG giảm sâu nhất VN30, thanh khoản cao đột biến
Dừng phiên sáng 19/7, VN-Index sụt 3,2% xuống dưới mốc 1.260 điểm. VN30-Index cũng giảm tới 3,4% xuống dưới 1.390 điểm.
Trong 30 cổ phiếu bluechip thành viên, chỉ có hai mã tăng là KDH của Nhà Khang Điền và MSN của Tập đoàn Masan. Toàn bộ 28 cổ phiếu còn lại đều chìm trong sắc đỏ, song không có mã nào nằm sàn.
Giảm sâu nhất là cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động, với tỷ lệ 5,65%, tức là hơn 4.500 tỷ đồng vốn hóa đã bay hơi.
Thanh khoản khớp lệnh MWG sáng nay cũng lên cao đột biến khi ghi nhận hơn 1 triệu đơn vị được sang tay, tương ứng trị giá 172 tỷ đồng. Giá trị giao dịch của riêng buổi sáng nay đã lớn hơn nguyên ngày 16/7, đồng thời cao hơn mức bình quân cả ngày trong 20 phiên gần đây.
Cổ phiếu MWG bị nhà đầu tư bán tháo trong lúc chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh do Thế Giới Di Động quản lý đang vấp phải làn sóng dư luận tiêu cực do tăng giá bán nhiều mặt hàng trong mùa dịch.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG thừa nhận Bách Hóa Xanh có tăng giá sản phẩm trong thời gian TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam phải giãn cách, phong tỏa để chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Doanh giải thích rằng việc Bách Hóa Xanh tăng giá là bất đắc dĩ do nhiều loại chi phí đầu vào lên cao như phí vận chuyển, phí xét nghiệm cho nhân viên, tiền lương tăng ca - làm thêm giờ, lo chỗ ăn ở cho nhân viên ở vùng phong tỏa, hư hao sản phẩm tươi sống do thời gian vận chuyển kéo dài, ...
Tính đến cuối tháng 5 năm nay, Bách Hóa Xanh có 1.851 cửa hàng ở khu vực phía Nam, tập trung nhiều nhất ở TP HCM. Doanh thu 5 tháng đạt 10.625 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng doanh thu của MWG.
Năm ngoái, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 21.300 tỷ, cao gấp đôi so với 2019. Tuy doanh thu liên tiếp lên cao nhưng chuỗi cửa hàng này vẫn chưa mang lại lợi nhuận. Các công ty chứng khoán ước tính Bách Hóa Xanh đang lỗ ròng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao) trong năm 2021.