|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại trao tay hơn 6 triệu cổ phiếu MWG khi giá lập đỉnh, trị giá gần 1.200 tỷ

08:19 | 17/07/2021
Chia sẻ
Khối lượng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MWG của khối ngoại trong tuần vừa qua lớn hơn cả 4 tuần của tháng 6 cộng lại.
Khối ngoại trao tay hơn 6 triệu cổ phiếu MWG khi giá lập đỉnh, trị giá gần 1.200 tỷ - Ảnh 1.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động trên Quốc lộ 32 đoạn qua Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong tuần từ 12/7 đến 16/7, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua bán thỏa thuận với nhau hơn 6,27 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, trị giá 1.156 tỷ đồng. Tất cả giao dịch đều được thực hiện tại giá trần của các phiên.

Quy mô giao dịch lớn nhất diễn ra vào ngày đầu tuần 12/7 với khối lượng hơn 2,15 triệu đơn vị, trị giá 406 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mà cổ phiếu MWG đóng cửa ở đỉnh lịch sử 176.600 đồng/cp, tăng gần 49% so với đầu năm.

Từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã mua bán thỏa thuận 12,3 triệu đơn vị MWG, trị giá 2.227 tỷ đồng. Đây có thể là động thái chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư ngoại sau đợt tăng mạnh của cổ phiếu đầu ngành bán lẻ này.

Trong cả tháng 6, khối ngoại chỉ mua bán 3,9 triệu cổ phiếu MWG, trị giá khoảng 605 tỷ đồng.

Do Thế Giới Di Động đã hết room ngoại nên các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua từ nhà đầu tư nước ngoài khác và thường phải trả giá cao hơn mặt bằng chung.

Khối ngoại trao tay hơn 6 triệu cổ phiếu MWG khi giá lập đỉnh, trị giá gần 1.200 tỷ - Ảnh 3.

Khối ngoại đẩy mạnh giao dịch MWG trong hai tuần đầu tháng 7/2021.

MWG hiện nay đang vận hành ba chuỗi siêu thị bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ở nước ta với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, nhu cầu mua sắm và tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân lên cao.

Chuỗi Bách Hóa Xanh gần đây bị một bộ phận người tiêu dùng chỉ trích vì tăng giá bán khi TP Hồ Chí Minh phong tỏa chống dịch. MWG đã lên tiếng khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh và cho biết công ty không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống. 

Theo lãnh đạo công ty, nhiều chi phí đầu vào lên cao nên công ty buộc phải điều chỉnh giá bán theo. Cụ thể:

1. Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. 

2. Chi phí lao động tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng cao đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc. 

3. Hàng nghìn lao động của MWG gồm tài xế, nhân viên kho bãi bắt buộc phải xét nghiệm ba ngày một lần. Ngoài ra việc xét nghiệm liên tục này cũng áp dụng cho hàng trăm nhân viên di chuyển ở hai tỉnh lân cận. 

4. MWG phải bảo đảm chỗ ở cho nhân viên ở gần kho nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hoặc vì nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa dẫn đến thiếu nhân sự và buộc phải tạm dừng hoạt động kho và cửa hàng.

Đức Quyền

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.