|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Muôn kiểu 'gặp khó' khi đi thực hiện thu phí không dừng

15:58 | 28/07/2022
Chia sẻ
Việc triển khai thu phí không dừng đang khiến người dùng gặp nhiều tình huống oái oăm như đã dán thẻ nhưng không nhận vẫn phải thanh toán thủ công hay bị "trộm" biển số để dán thẻ ETC.

Kể từ ngày 1/8, ô tô không dán thẻ thu phí hoặc có dán thẻ nhưng trong tài khoản không đủ tiền thanh toán phí sẽ không được đi vào các tuyến cao tốc. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, tước bằng lái từ 1-3 tháng. 

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tuyến cao tốc đã hoàn tất công tác chuẩn bị để đồng loạt triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) sau 31/7. Tuy nhiên, theo nhiều tài xế vẫn còn rất nhiều lỗi khi sử dụng thẻ thu phí không dừng.

Muôn kiểu "gặp khó" của chủ thẻ ePass

 Chủ một phương tiện chia sẻ về thẻ ePass bị lỗi trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Trong đó, nhiều trường hợp tài xế gặp tình trạng nhân viên báo lỗi không nhận được tiền hoặc nhân viên phải dùng điện thoại để check tin nhắn rồi mới cho qua trạm thu phí tự động không dừng. Các trường hợp này chủ yếu xảy ra với chủ phương tiện dán thẻ ePass của Viettel.

Bên cạnh đó, có tình trạng thẻ ETC bị lỗi do chủ xe đăng ký cả 2 hệ thống VETC và ePass hoặc vì lý do nhầm lẫn nào đó bị đăng ký cả 2 loại thẻ.

Một tài xế cho biết, khi đi qua trạm hệ thống báo lỗi, nhân viên trạm giải thích do xe mình dán 2 thẻ ePass và E-Tag chồng lên nhau, trong khi trên đèn xe chỉ duy nhất 1 thẻ E-Tag.

Trường hợp này tương tự việc một số tài xế cho biết khi đi dán thẻ thu phí không dừng ETC được nhân viên báo là biển số đã được đăng ký tài khoản ePass dù chủ phương tiện chưa từng đăng ký. Để huỷ ePass, chủ phương tiện phải tới các trạm ePass (thường đặt ở các tuyến cao tốc) để làm thủ tục huỷ, điều này gây phiền hà và tốn thời gian, chi phí cho chủ xe.

 Chia sẻ của một chủ xe đi đăng ký ePass nhưng đã bị "mượn biển" đăng ký trước. (Ảnh chụp màn hình).

Theo anh Trường, một tài xế kinh doanh vận tải hành khách, khi đi đăng ký thẻ VETC, anh gặp tình trạng hệ thống báo xe đã đăng ký ePass dù trước đó anh chưa từng dán thẻ hay nhờ ai dán thẻ hộ. Để dán thẻ mới, anh Trường phải đi từ TP HCM lên Đồng Nai để huỷ gây mất thời gian và công sức.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số nhân viên dán nhầm vào biển số xe anh Trường hoặc dán ảo để lấy doanh số chạy chỉ tiêu. Điều này gây khó khăn và phiền toái cho nhiều khách hàng không riêng gì trường hợp của anh Trường.

VETC và ePass khác nhau điểm gì?

Được biết, VETC là loại thẻ do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC triển khai. Loại thẻ này cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản thông qua hình thức chuyển khoản (miễn phí) hoặc các cổng thanh toán (có phí từ 1% trở lên). Nhược điểm là chưa có tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, điều này yêu cầu người dùng nạp tiền trước vào tài khoản. 

Nếu người dùng quên không nạp tiền vào tài khoản sẽ bị rơi vào tình huống hết tiền khi qua trạm. Tuy nhiên, lợi thế của thẻ VETC là chưa ghi nhận các sự cố lỗi liên quan đến hệ thống.

ePass là sản phẩm của CTCP Giao thông số Việt Nam thuộc Tập đoàn Viettel. Hệ thống này được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2020, khá mới mẻ so với VETC. Loại thẻ này được dán tại các địa điểm như Viettel Post, Viettel Pay, trạm thu phí và trung tâm đăng kiểm, bên cạnh đó, nhân viên Viettel Post cũng có dịch vụ thể đến tận nhà để dán thẻ nên khá tiện lợi.

Tuy nhiên, điểm trừ là trong thời gian gần đây nhiều chủ thẻ ePass gặp phải tình trạng lỗi hay việc bị người khác mượn biển số dán thẻ ePass gây khó khăn cho chủ phương tiện khi phải huỷ đăng ký.

Bù lại, ePass đa dạng hình thức nạp tiền hơn thông qua các cổng thanh toán (có phí) hay qua ứng dụng ngân hàng hoặc chuyển khoản (miễn phí) và có tính năng liên kết ví điện tử với Viettel Money. 

Về mức phí, hiện ePass đã hết giai đoạn miễn phí ban đầu và chuyển sang thu phí 120.000 đồng/lần dán thẻ, mức phí của VETC cũng tương tự nhưng vẫn còn chương trình ưu đãi miễn phí lần đầu.

Nguyễn Thắm