|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mừng và lo khi hàng tỉ đô vốn ngoại đổ về dồn dập

07:46 | 14/11/2019
Chia sẻ
Thống kê cho thấy hàng tỉ đô vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, chất lượng dòng vốn ngoại và nền tảng kinh tế cơ bản để đón nhận dòng vốn hiệu quả hơn đang là vấn đề mà nhiều chuyên gia lo ngại.
Mừng và lo khi hàng tỉ đô vốn ngoại đổ về dồn dập - Ảnh 1.

Vốn đầu tư từ Trung Quốc, Singapore và Hongkong vào Việt Nam tăng tốc.

Dồn dập vốn ngoại

Sau hơn 2 năm đàm phán, cuối cùng ngân hàng BIDV chính thức phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần cho nhà đầu tư ngoại KEB Hana Bank (Hàn Quốc), thu về gần 20.300 tỉ đồng.

Dòng vốn này ghi nhận mức kỷ lục trong các thương vụ M&A ngành ngân hàng, nhưng nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc cũng phải "nhường ngôi" cho nhà đầu tư Trung Quốc, Hongkong và Singapore đang tăng tốc mạnh mẽ từ đầu năm đến nay.

Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy trong 10 tháng đầu năm, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 10,8 tỉ đô, tăng 70,5%. Nếu loại trừ 3,85 tỉ đô của thương vụ Sabeco thì giá trị tăng 10% so với cùng kỳ.

Điểm nhấn thị trường đầu tư còn nằm ở thị trường chứng khoán, được nhiều chuyên gia nhận xét là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực. Theo đó, chỉ số VN-Index tăng 4,9% trong quí 3-2019 và tăng 11,7% trong 9 tháng đầu năm, theo Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF). 

Chỉ số này cũng phá vỡ mốc 1.000 điểm, là mốc tâm lý kéo dài trong khoảng thời gian qua.

Báo cáo cuối tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vào cuối tháng 10 cho biết, lũy kế từ đầu năm, khối ngoại mua ròng 1,88 tỉ đô trên thị trường chứng khoán, bao gồm 1,23 tỉ đô cổ phiếu và 650,4 triệu đô trái phiếu.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư của VCBF, làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu (40 ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất 1 hoặc 2 lần kể từ đầu năm) và chính sách tài khoá, là lý do khiến dòng tiền chảy về các nền kinh tế cận biên, trong đó có Việt Nam.

10 tháng đầu năm ghi nhận 9,1 tỉ đô vốn đăng ký mới và 4,7 tỉ đô vốn tăng thêm, lần lượt tăng 33% và 1%.

Giá trị đăng ký mới trung bình 1 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo là 8.7 triệu đô/1 dự án, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 8 triệu USD.

Ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp, các dự án FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng về số lượng đăng ký mới và tăng vốn, lần lượt tăng 26% và 20% trong 10 tháng đầu năm (trong khi cùng kỳ tăng 18,7% và giảm 4,7%), theo SSI Research.

Báo cáo của VCBF cho thấy làn sóng các nhà sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. 

Tỷ lệ lấp đầy ở hầu hết các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đã tăng lên 80-90%. "Giá thuê đất khu công nghiệp đã tăng 25-30% từ đầu năm đến nay kèm theo nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên", đại diện VCBF bình luận.

Vẫn còn đáng lo

Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,8%, tức ở mức tương đương với con số kỳ vọng đạt được trong năm 2019, dù cho tăng trưởng trong 3 quí đầu năm ghi nhận mức kỷ lục.

Trong số 14 quốc gia cận biên được Bloomberg xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 2 về tăng trưởng, động lực tăng trưởng (môi trường kinh doanh và cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số) so với rủi ro (nợ nước ngoài, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế Trung Quốc), theo VCBF.

Dù vậy, bên cạnh những yếu tố vĩ mô tích cực, các chuyên gia đồng thời cũng lo ngại về biến động thế giới và các vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam.Hiện nay, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã và đang được đẩy mạnh ký kết với các thị trường lớn.

 Đầu tư vào Việt Nam không chỉ là thị trường trăm triệu dân, mà còn là thị trường thế giới, TS. Thành nhận định.

“Điều này cho thấy phần nào các khó khăn được dự báo trước. Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều điểm sáng nhưng tăng trưởng trong năm sau sẽ rất khó khăn”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét.

Mừng và lo khi hàng tỉ đô vốn ngoại đổ về dồn dập - Ảnh 4.

Chẳng hạn, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quí 3, trong đó đặc biệt là số đơn đặt hàng trong lĩnh vực dệt may cũng giảm. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tháng 9 giảm về mức 50,5 điểm.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy chỉ số tồn kho bình quân trong 9 tháng đầu năm tăng 17,2% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng tăng từ năm 2018. “Điều này tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất”, báo cáo nhận định.

Tương tự, báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI trong 10 tháng đầu năm cho thấy nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng trưởng chậm lại, dù chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo được duy trì đi ngang nhờ sự cải thiện của công nghiệp điện tử.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng đang chậm lại thấy rõ, khi nhìn vào tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với con số 16,2% của khối doanh nghiệp trong nước.

“Tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang là rủi ro hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa Việt nam và số liệu hàng tháng đang cho thấy tác động ngày một rõ ràng của rủi ro này. Dự báo năm 2020 tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thấp và vì vậy xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế Việt nam sẽ còn nhiều thách thức”, công ty chứng khoán SSI nhận định.

Với thị trường chứng khoán, dù có nhiều điểm nhấn tăng trưởng nhưng các chuyên gia cho rằng thanh khoản thị trường vẫn chưa dồi dào, chưa ổn định và chưa có các định chế tài chính lớn để trở thành trụ cột. Thêm nữa, Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách nhóm thị trường mới nổi.

Một trở ngại khác là sự tăng giá của các yếu tố đầu vào như giá thuê đất tăng, lao động tăng, hạ tầng logistic chưa đồng bộ sẽ gây tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, trong khi giải ngân đầu tư công còn chậm chạp. Điều này phụ thuộc nhiều vào các nhà quản lý. 

“Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến chỉ phát huy hiệu quả khi nút thắt về hạ tầng và nguồn lực được tháo gỡ”, báo cáo của SSI Research nhận định.

Lo ngại chất lượng vốn ngoại

Thống kê của công ty chứng khoán SSI cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, giá trị vốn góp mua cổ phần tăng 40% trong 10 tháng đầu năm nay (năm 2018 tăng 65%). Trung Quốc cũng xếp vị trí số 2 xét theo số lượng với 1.470 thương vụ, chỉ xếp sau Hàn Quốc (2.260 thương vụ).

Tuy nhiên, chất lượng dòng vốn cũng được nhắc đến khi Trung Quốc đang siết chặt các quy định về môi trường, dẫn đến khả năng đẩy các nhà máy công nghệ cũ, gây ô nhiễm cao sang các quốc gia xung quanh. Chẳng hạn như dự án Hóa chất dệt nhuộm Huanyu (quy mô đầu tư 60 triệu đô), lốp Advance (quy mô 214 triệu đô) hay Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu đô), đều có nguy cơ gây ô nhiễm cao, theo SSI Research.

Dũng Nguyễn