|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện để đáp ứng nhu cầu tăng 10-11%/năm

16:11 | 14/02/2019
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện để đáp ứng nhu cầu điện tăng trung bình 10 – 11%/năm.

Sáng nay (14/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội ngày một tăng, trung bình 10 – 11%/năm, Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn Nhà nước và khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện.

chinh phu thu hut von ngoai nha nuoc dau tu cho nganh dien de dap ung nhu cau tang 10 11nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1. Ảnh: VGP.

Theo Thủ tướng, đến nay, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu và có dự phòng công suất, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng cho đất nước. Tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam hiện nay đã đạt gần 48.000 MW (đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia và xếp hạng 31 trên thế giới).

“Tôi rất vui mừng khi được biết Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được đánh giá là một trong các nhà máy nhiệt điện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình, có quy mô công suất 600 MW, sử dụng công nghệ hiện đại và nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 1,27 tỷ USD. Sau thời gian hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018.

Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện từ 3,6-3,9 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than antracite nội địa. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được đảm bảo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, trong vòng 15 năm từ năm 2003 đến năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất trên 21.000 MW. Khối lượng đường dây 500 kV tăng trưởng trung bình 13%/năm. Phát triển các công trình đường dây và trạm biến áp 220kV đến hầu hết các tỉnh, thành phố.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc quản lý vận hành nhà máy nhiệt điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy nhà máy để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, đảm bảo an toàn môi trường; tuyệt đối không được để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành nhà máy.

Thủ tướng cũng cho hay, đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sau một thời gian tồn tại kéo dài để cụm nhiệt điện này, có công suất lên đến gần 2.000 MW, theo cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để khánh thành vào năm 2020, mà nay đã đạt 83% khối lượng công việc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng cao...

Khánh Hà