Thương chiến leo thang nhưng vốn ngoại vào Việt Nam đang giảm và ngày càng 'teo tóp'
Cụ thể, trong hơn 22,6 tỉ USD vốn đăng ký, vốn cấp mới đạt hơn 9,1 tỉ USD, vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,9 tỉ USD, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên mỗi dự án ở Việt Nam đang có xu hướng nhỏ đi.
Chỉ riêng vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt tăng lên 9,5 tỉ USD.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới 8 tháng qua đạt 9,1 tỉ USD, giảm 1 tỉ USD so vốn cấp mới với cùng kỳ năm 2018. Bình quân vốn trên dự án cấp mới là 3,7 triệu USD, thấp hơn nhiều so với bình quân vốn cấp mới/dự án trong 8 tháng của năm 2018 là 7 triệu USD/dự án.
Quy mô vốn cấp mới bình quân giảm, trái ngược với định hướng thu hút chủ yếu các dự án lớn, có công nghệ cao của Việt Nam, điều này cũng khiến Việt Nam kém thu hút, cạnh tranh về môi trường đầu tư.
Về vốn tăng thêm, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính hết 8 tháng qua, lượng vốn tăng thêm trung bình 4,3 triệu USD/dự án, giảm mạnh so với bình quân cùng kỳ năm trước là 7,5 triệu USD/dự án.
Trong bối cảnh vốn cấp mới tăng thêm giảm thì lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp Việt tăng lên. Cụ thể, lượng vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,5 tỉ USD, tăng hơn 4,3 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt trong 8 tháng qua đạt 1,8 triệu USD, tăng hơn nhiều so với bình quân 8 tháng năm 2018 khi chỉ đạt 1,1 triệu USD/dự án.
Với lợi thế tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song và đa phương,Việt Nam đang trở thành địa chỉ thu hút các dự án đầu tư từ các nước trên thế giới. Tuy nhiên, với đặc điểm về luồng vốn kể trên, rõ ràng đây là tín hiệu không mấy tích cực đối với vốn ngoại ở Việt Nam.