|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam: Tăng nhưng nhiều bất cập

07:56 | 23/07/2019
Chia sẻ
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt, dòng vốn này đi theo nhiều con đường (thay đổi nguồn gốc, qua các hợp đồng EPC) và tồn tại nhiều bất cập.
Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam: Tăng nhưng nhiều bất cập - Ảnh 1.

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả do nhà thầu Trung Quốc xây gặp nhiều vấn đề kỹ thuật

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, trong 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4%.

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam ngày 22/7, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng lớn. 

Tác động của chiến tranh thương mại cũng khiến nguồn vốn FDI từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam tăng nhanh chóng.

“Vốn FDI vào Việt Nam theo cách đặc biệt là qua các hợp đồng EPC (Thiết kế- cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng) hoặc thay đổi xuất xứ. Một số doanh nghiệp Trung Quốc từng cho biết, do Việt Nam có cái nhìn chưa thiện cảm với vốn đầu tư Trung Quốc nên nhà đầu tư thường thành lập công ty ở nước khác như Nhật Bản hay Hồng Kông, sau đó đầu tư vào Việt Nam”, ông Thành nói.

Đại diện VEPR cũng đưa ra ví dụ, với trường hợp nhiều khu đất đẹp dọc bãi biển miền Trung, người Trung Quốc thuê người địa phương đứng tên. Chính quyền địa phương dùng cách thay đổi quy hoạch để hạn chế tình trạng này.

Nghiên cứu của VEPR chỉ ra, vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp vào GDP ngày càng lớn. Mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng lên. 

Vào năm 1995, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam khoảng 34% giá trị sản phẩm, trong đó có 12% sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Đến nay, tỷ lệ đóng góp của Việt Nam đạt khoảng 50% nhưng sản phẩm nội địa giảm xuống 11%.

“Việt Nam xâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng giá trị tạo ra của doanh nghiệp trong nước sau hơn 20 năm giảm xuống. Điều này cho thấy sự thất bại của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thành đánh giá.

Đại diện VEPR cũng đánh giá, vốn FDI chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam không từ những dự án tốt nhất. Các dòng vốn có công nghệ cao từ Trung Quốc thường đến các nước có nguồn lao động chất lượng cao. Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào khai khoáng, dệt may, hóa chất.

Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, trong điều kiện chuyển đổi công nghệ mới, Trung Quốc có xu hướng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài. Tuy nhiên, quan trọng nhất là quyền lựa chọn nhà thầu, công nghệ, dự án đầu tư của Việt Nam.

“Chúng ta vay vốn Trung Quốc phải có điều kiện giám sát chặt trong nước. Như trường hợp của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm, có lỗi của cơ quan quản lý của Việt Nam thay đổi kết cấu, giám sát chưa chặt chẽ. 

Vì vậy, chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực để lựa chọn nhà thầu, lựa chọn vốn đầu tư, tránh việc ham giá rẻ như trước đây”, ông Tuyển khuyến cáo.

Cẩn trọng với hợp đồng EPC

Theo ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, nguồn vốn của Trung Quốc lãi suất thấp nhưng kèm theo rất nhiều chi phí như phí thực thi hợp đồng, phí đảm bảo. Một trong những điều kiện khi tiếp cận nguồn vốn vay từ Trung Quốc là ký hợp đồng EPC. 

Nghiên cứu về đầu tư của Trung Quốc dưới hình thức EPC qua trường hợp của ngành điện than đã chỉ rõ các bất cập của dòng vốn này như chậm tiến độ, gặp trục trặc kỹ thuật và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

VEPR dẫn chứng từ nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, đơn vị thi công Songling Power Environmental Equipment của Trung Quốc. Từ khi vận hành vào năm 2011 đến nay, nhà máy xảy ra nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng như: Phải dừng vận hành trong 4 tháng do cánh quạt của tổ máy phát điện số 2 bị hỏng. Năm 2016, xảy ra sự cố cháy nổ ở phòng ắc quy và hỏng cánh quạt của tổ máy phát điện. Sai sót này khiến nhà máy dừng hoạt động trong 6 tháng, giảm 50% sản lượng điện.

“Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC với Trung Quốc và gây ra tác động môi trường. Việc vận chuyển chất thải, hệ thống xả thải không đảm bảo. Tổng cục Môi trường đã xử phạt 62.000 USD vi phạm môi trường. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện chậm tiến độ cũng đa số do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, như Thủy điện An Khe - Kanak chậm tiến độ 2 năm. 

Thủy điện Thượng Kon Tum, nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí, chậm tiến độ thi công buộc chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và tố tụng dai dẳng, tốn kém...”, ông Phạm Sỹ Thành dẫn ví dụ.

Trước thực trạng này, VEPR khuyến nghị, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ với khoản vay và dự án thực hiện theo hình thức EPC để tránh hệ lụy như phụ thuộc tài chính, hiệu quả kinh tế, môi trường.

Năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông đạt 3,7 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 5,8 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 7,59 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Ngọc Linh