Hủy phán quyết buộc Thủy điện Sông Hinh (VSH) bồi thường 2.163 tỉ đồng
Vụ kiện giữa VSH và nhà thầu Trung Quốc diễn ra từ nhiều năm nay liên quan đến dự án Thủy điện Thượng Kontum. Đây là dự án lớn của VSH. Năm 2019, HĐQT của VSH xin Đại hội đồn cổ đông (ĐHCĐ) hiệu chỉnh, bổ sung giá trị tổng mức đầu tư là 9.428 tỷ đồng.
VSH dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường ngày 23/12 tới đây để báo cáo tiến độ và kết quả phát hành trái phiếu cho dự án này.
Trước đó, vào ngày 10/4/2019, Hội đồng trọng tài 24/12 đã ra phán quyết buộc VSH phải bồi thường số tiền 2.163 tỷ đồng cho tổ hợp nhà thầu Trung Quốc gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.
Ngày 2/5/2019, VSH đã nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trên. Đồng thời, VSH đã nộp đơn lên VIAC khởi kiện lại liên danh nhà thầu này phải thanh toán và bồi thường cho VSH số tiền tạm tính hơn 2.000 tỷ đồng do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo nội dung vụ kiện, năm 2010, VSH và tổ hợp nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng hạng mục Tuyến năng lượng của dự án Thủy điện Thượng Kontum. Phía nhà thầu thực hiện một phần dự án thì dừng công việc và phát sinh tranh chấp. Nhà thầu cho rằng, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trong khi VSH khẳng định, nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công.
Hai bên đều ra thông báo chấm dứt hợp đồng
Năm 2014, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc nộp đơn ra VIAC và tổ chức này áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc VSH phải chuyển hơn 211 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Vietcombank. VSH, nhà thầu và Vietcombank đã ký hợp đồng ba bên để phong tỏa và xử lý số tiền này.
Năm 2015, khi nhà thầu Trung Quốc rời đi, VSH ký hợp đồng với CTCP Xây dựng 47 (C47) để thi công các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, qua phương tiện truyền thông, C47 biết được thông tin trên và thông báo tạm ngừng công việc.
VSH chấp nhận bồi thường số tiền 65 triệu đồng là chi phí phát sinh trong 2 ngày tạm dừng công việc để C47 quay trở lại tiếp tục thi công. Sau đó, VSH khởi kiện 2 trọng tài ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật là ông Peter Chapman và ông Yasunobu Sato phải đền bù thiệt hại.
Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này vì cho rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa được thực hiện nên chưa gây thiệt hại cho VSH. Năm 2019, VIAC căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam xem xét lại và hủy quyết định này.