Mục tiêu của Mỹ trong 'Chiến lược châu Phi mới'
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN |
Thuyết trình trước Quỹ Di sản của giới tinh anh thuộc phái bảo thủ ở Mỹ, ông Bolton nêu rõ rằng "Chiến lược châu Phi mới" đặt trọng điểm ở 3 lĩnh vực gồm: tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước châu Phi, sử dụng hiệu quả hơn các khoản Mỹ viện trợ cho châu Phi và tiếp tục tấn công hoạt động của các tổ chức cực đoan tại châu Phi như "Nhà nước hồi giáo" (IS).
Điều đáng chú ý là trong bài thuyết trình về "Chiến lược châu Phi mới", ông Bolton đã chĩa "mũi giáo" vào Trung Quốc và Nga khi cho rằng cách làm mang tính "ăn cướp" của Trung Quốc và Nga tại châu Phi đang cản trở kinh tế của khu vực này phát triển và tăng trưởng, thậm chí đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Bolton nêu rõ: nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ là phát triển quan hệ kinh tế với khu vực châu Phi, nhằm tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ, bảo vệ nền độc lập của các nước trong khu vực và phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Hiện Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD/năm cho các nước châu Phi nhưng hiệu quả không cao.
Theo "Chiến lược châu Phi mới" lần này, Mỹ sẽ tập trung tiền vốn vào một số quốc gia mấu chốt ở châu Phi và các mục tiêu chiến lược cá biệt, bảo đảm mọi khoản viện trợ cho khu vực này, bất kể là theo nhu cầu an ninh, nhân đạo hay phát triển, đều phải có lợi và phục vụ cho lợi ích quốc gia của Mỹ.
Ông Bolton phê phán lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) bố trí tại châu Phi và tuyên bố Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ mà không có sự khác biệt cho cả khu vực châu Phi, trong đó mục tiêu của Mỹ là giải quyết xung đột tại lục địa này.
Ông Bolton phê phán cách làm mang tính “ăn cướp” của Trung Quốc và Nga tại châu Phi đang cản trở châu Phi phát triển kinh tế, thậm chí còn can thiệp vào lợi ích an ninh và lợi ích của quân đội Mỹ tại khu vực này.
Theo ông Bolton, Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng kinh tế, tài chính và chính trị tại lục địa châu Phi, cố tình dùng các khoản đầu tư của mình thách thức ưu thế tương đối của Mỹ tại khu vực này.
Cụ thể, Trung Quốc dùng phương thức hối lộ, ký kết các thỏa thuận mơ hồ và cung cấp các khoản cho vay chiến lược nhằm sai khiến các nước châu Phi làm theo ý đồ và yêu cầu của Trung Quốc. Ông Bolton nêu rõ: cái gọi là “ngoại giao vay nợ” của Trung Quốc thường được bắt đầu từ các dự án đầu tư hấp dẫn, sau đó khiến các nước tiếp nhận đầu tư phụ thuộc vào các điều khoản vay nợ do Trung Quốc nắm quyền chủ đạo.
Giống như vậy, theo ông Bolton, Nga cũng đang thông qua các vụ giao dịch kinh tế không minh bạch để tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi. Thời gian gần đây, Nga dựa vào các thương vụ mua bán vũ khí và năng lượng để để đổi lấy các lá phiếu ủng hộ của các nước châu Phi tại LHQ.
Ông Bolton nhấn mạnh, hiển nhiên các nước bỏ phiếu phản đối Mỹ tại các diễn đàn quốc tế, hoặc về những hành động đi ngược lợi ích của Mỹ sẽ không thể có được các khoản viện trợ từ Mỹ.
Trước tuyên bố của ông Bolton liên quan đến "Chiến lược châu Phi mới" của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: phía Trung Quốc cho rằng hợp tác của cộng đồng quốc tế đối với châu Phi cần tôn trọng ý nguyện của châu Phi, phù hợp với nhu cầu của châu Phi, đồng thời tuân thủ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ châu Phi và không được gắn kèm với các điều kiện chính trị.
Thực tế cho thấy khi nói đến châu Phi, Trung Quốc đều nhấn mạnh châu Phi cần những gì. Điều này hoàn toàn khác với Mỹ khi nói về châu Phi, vốn chỉ quan tâm đến lợi ích và nhu cầu của Mỹ. Rõ ràng, Mỹ không nghĩ cho châu Phi mà đang tìm cách đối phó với sức ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại khu vực này./.
Xem thêm |