|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mức tăng vốn điều lệ các ngân hàng quá thấp, bài toán tăng vốn vẫn chưa có lời giải?

07:00 | 04/09/2019
Chia sẻ
Trong số gần 30 ngân hàng khảo sát chỉ có 6 ngân hàng có sự thay đổi vốn điều lệ kể cả tăng cực thấp như Agribank (0,1%). Điều này có thấy vấn đề tăng vốn vẫn đang là bài toán nhức nhối của nhiều nhà băng.

Chỉ có 1/5 ngân hàng khảo sát tăng vốn điều lệ trong 6 tháng đầu năm

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của gần 30 ngân hàng thương mại trong nước, vốn điều lệ các ngân hàng không có quá nhiều biến động trọng nửa đầu năm 2019.

Cụ thể, trong số 29 ngân hàng khảo sát, chỉ có 6 ngân hàng ghi nhận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng Quốc dân, LienVietPostBank, VietBank, Vietcombank, Bản Việt, Agribank (chỉ tăng nhẹ 0,1%). Vốn điều lệ của 23 còn lại không thay đổi so với cuối năm 2018.

Ngân hàng Quốc dân (NCB) là tổ chức có mức tăng vốn điều lệ mạnh nhất với mức tăng 36,3% so với cuối năm trước. Đầu năm 2019, NCB đã thực hiện chào bán ra công chúng 199,44 triệu cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu và phát hành cho cán bộ nhân viên gần 14,9 triệu cổ phiếu.

Tiếp đó là LienVietPostBank với mức tăng hơn 18%. Ngân hàng này đã phát hành gần 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán hơn 200 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu (nhưng chỉ bán thành công được 100,6 triệu cổ phiếu). 

Trong nhóm các "ông lớn" Nhà nước, nếu không tính mức tăng nhỏ bé của Agribank từ nguồn trích quĩ hàng năm thì Vietcombank là ngân hàng duy nhất có tăng trưởng về vốn điều lệ thêm hơn 1.100 tỉ đồng, tương đương hơn 3%.

Vào tháng 1, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư nước ngoài là GIC Private Limited (mua 94,4 triệu cp) và Mizuho Bank (mua 16,6 triệu cp). Mizuho mua cổ phần của Vietcombank để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ còn GIC mua 2,55% cổ phần, qua đó giúp ngân hàng tăng vốn lên hơn 37.000 tỉ đồng.

Screen Shot 2019-09-03 at 16

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Xét về con số tuyệt đối, VietinBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong số gần 30 ngân hàng khảo sát trên với 37.234 tỉ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank đều có vốn điều lệ trên 30.000 tỉ đồng.

Ngoài 5 ngân hàng trên, Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất sau nửa đầu năm 2019 còn có những gương mặt như VPBank, MBBank, Sacombank, SCB và ACB.

Screen Shot 2019-09-03 at 17

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Bài toán tăng vốn vẫn chưa có lời giải?

Trong khi cho vay khách hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm (hơn 8% theo số liệu thống kê từ các ngân hàng) việc tăng trưởng quá nhỏ về vốn điều lệ lại cho thấy bài toán đau đầu được nhắc đi nhắc lại tại các nhà băng.

Không chỉ là các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, chính những "ông lớn" NHTM Nhà nước như VietinBank và BIDV là những ngân hàng đang chịu áp lực nặng nề từ mục tiêu tăng vốn khi thời hạn áp dụng chuẩn Basel II tới gần.

Với room nhà đầu tư nước ngoài đã đầy và phát hành trái phiếu cấp 2 đã gần như tới hạn, việc tăng vốn của VietinBank chỉ trông chờ vào việc phê duyệt trả cổ tức bằng cổ phiếu từ Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, đã tới quí III/2019 nhưng chưa có một thông tin mới nào từ kiến nghị trên.

BIDV thì có vẻ khả quan hơn khi đã chốt được thương vụ bán 15% vốn cho đối tác ngoại là KEB Hana Bank. Ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV cho đối tác với tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỉ đồng. 

Giá trị thương vụ đã được chốt nhưng có vẻ việc thực hiện lại chưa thể nhanh chóng. Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ ngày BIDV thông báo về việc thông qua hoạt động giao dịch cổ phiếu với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhưng vẫn chưa có tín hiệu về việc giao dịch hoàn tất.

Mặt khác, theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho dù BIDV có phát hành thành công cho KEB Hana Bank thì ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trang thiếu hụt vốn. VCSC dự báo BIDV sẽ tiếp tục phụ thuộc vào phát hành vốn cấp 2 và có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác trong giai đoạn 2020 - 2023.

Bên cạnh đó, Agribank, ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm "ông lớn", lại đang loay hoay với việc cổ phần hoá. Sau nhiều năm lên kế hoạch, nhiều tín hiệu cho thấy thời điểm IPO của ngân hàng này đang tới gần. 

Lợi nhuận năm 2018 của Agribank đạt tăng trưởng đột biến (63%) và đà tăng trưởng không giảm trong 6 tháng đầu năm (tăng 105%). Cùng với đó, ngân hàng đã xử lí được gần 87% số dư nợ xấu tại VAMC và trích lập dự phòng gần hết cho số trái phiếu VAMC còn lại.

Mặc dù ngân hàng chỉ ra còn nhiều khó khăn trong quá trình cổ phần hoá đặc biệt trong việc xác định giá trị doanh nghiệp với tổng tài sản, lượng khách hàng lớn và quĩ đất quản lí lên tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng. 


Diệp Bình