Mức phạt với SSS Momcare 'không tạo ra sự răn đe đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu'
Ngày 18/11/2019, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội Quản lí thị trường số 5 tiến hành kiểm tra với cửa hàng SSS Momcare ở Phố Huế, Hà Nội, do bà Nguyễn Bích Hằng (hay còn gọi là Hằng "Túi") sáng lập.
Đội Quản lí thị trường số 5 phát hiện một số sản phẩm nhập lậu bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm như hoa nghiền, sữa, bột ăn dặm, vitamin. Tổng số lượng sản phẩm mà cửa hàng nhập lậu lên tới 395 sản phẩm với giá trị 28.220.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc hãng Luật TGS - đưa ra một số nhận định nhận định ý kiến pháp lý về vụ việc.
Quan điểm của luật sư Tuấn là hành vi của SSS Momcare đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt với các mặt hàng là thực phẩm cho trẻ em, một đối tượng vô cùng nhạy cảm, dễ chịu tác động xấu.
"Rất có thể sản phẩm của cơ sở này là hàng hóa không qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định và không có chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đầy đủ", luật sư Tuấn phát biểu.
Một áo cho trẻ em mà thương hiệu SSS Momcare bán. Ảnh: SSS Momcare
Hành vi bán hàng hóa nhập lậu của SSS Momcare, theo luật sư Tuấn, là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập, theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP do chính phủ ban hành ngày 15/11/2013, với mức xử phạt lên tới 100.000.000 đồng.
Đối tượng vi phạm phải chịu thêm hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại.
Trong trường hợp của SSS Momcare, với giá trị hàng hóa là hơn 28 triệu đồng, cơ sở kinh doanh bị xử phạt với mức phạt ở Điểm e, Khoản 1 của điều 17 với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Thực tế, cửa hàng đã bị xử phạt hành chính tới 15.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 395 sản phẩm vi phạm.
Luật sư Tuấn nhận xét mức phạt như vậy chưa đủ nghiêm khắc, khó tạo sự răn đe cần thiết cho các cá nhân thực hiện hành vi hoặc các cá nhân có ý định thực hiện hành vi.
Ông lưu ý rằng chúng ta nên so sánh lợi nhuận mà các đối tượng kiếm được nhờ thực hiện hành vi vi phạm với mức phạt để thấy sự bất hợp lý của quy định.
"Rất có thể đây là một kẽ hở của pháp luật Việt Nam để qua đó mà các đối tượng có thể lợi dụng, thậm chí bất chấp pháp luật, sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng để kinh doanh, chuộc lợi", luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Do vậy, theo ông Tuấn, rất cần có sự thay đổi, sử đổi bổ sung các quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi này, để có thể hạn chế tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu tràn lan như hiện nay.
Hàng nhập lậu bao gồm: Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;…