|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mua vàng ngày vía Thần Tài có thực sự phát tài?

08:32 | 03/02/2020
Chia sẻ
Cứ đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), người dân Việt Nam rồng rắn xếp hàng chờ đợi mua vàng cầu may. Vậy mua vàng ngày vía Thần tài có thực sự phát tài?.
Mua vàng ngày vía Thần Tài có thực sự phát tài?  - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng lấy số chờ mua vàng vào ngày vía Thần Tài

Nguồn gốc ngày vía Thần tài

Hiện nay có nhiều câu chuyện về Thần Tài, nhưng có một câu chuyện được nhiều người biết đến là vị Thần tài ở trên trời chuyên cai quản Kim, Tiền, Tài, Lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Sáng ra tỉnh dậy, mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương, liền lột hết quần áo mũ nón của Thần Tài đem bán. Lúc tỉnh dậy, Thần Tài không nhớ nổi mình là ai, nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi.

Một cửa hàng kinh doanh heo, vịt quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì mời vào ăn. Thật kỳ lạ, từ lúc Thần Tài vào ăn, khách kéo đến nườm nượp. Người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.

Được một thời gian, chủ cửa hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày ăn uống no nê, người thì bốc mùi hôi vì không tắm giặt, nên đã đuổi Thần Tài đi.

Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn. Kỳ lạ thay, khách hàng lại ùn ùn kéo đến quán này ăn rất đông. Mọi người thấy vậy nên ai ai cũng tranh giành mời cho bằng được Thần tài đến quán của mình ăn.

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn ngài đi mua quần áo. Sau khi mặc quần áo mũ nón, Thần Tài đột nhiên nhớ lại mọi chuyện và bay về trời vào đúng ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Từ đó, cứ đến ngày này, tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng…có thờ Thần Tài, thì đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài với mong ước được phúc lộc sung túc, may mắn cả năm.

Không ở đâu "mê" vàng Thần Tài như Việt Nam

Trên thực tế, ngày vía Thần Tài được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, tục lệ cúng Thần Tài được những doanh nhân người Hoa sinh sống ở phía Nam thực hiện, sau đó phổ biến ra nhiều địa phương khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, giới doanh nhân người Hoa cũng chỉ làm lễ cúng Thần Tài, chứ không mua vàng cầu may như hiện nay ở Việt Nam.

Ở Trung Quốc, dù là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng người dân Trung Quốc cũng chỉ cúng, đốt vàng hương vào ngày này, chứ không mua vàng cầu may. Ngày Thần Tài ở Trung Quốc diễn ra tùy theo từng vùng miền, chứ không phải là ngày 10 tháng Giêng như ở Việt Nam. Người miền Nam Trung Quốc cúng lễ Thần Tài vào ngày 5 tháng Giêng, còn miền Bắc Trung Quốc cúng Thần Tài vào ngày 2 tháng Giêng…

Ở Singapore cũng có ngày Thần Tài, nhưng rơi vào ngày 1 tháng Giêng và người dân cũng không mua vàng cầu may, mà chỉ cúng lễ, đốt vàng vào ngày này...

Tại Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 trên thế giới, cũng có một số ngày lễ, mà người dân cũng đổ xô đi mua vàng cầu may. Tuy nhiên, đó không phải là ngày Thần Tài, mà là Lễ hội Akshaya Tritiya vào ngày 7/5 hàng năm, là ngày lễ lớn thứ 2 trong năm, chỉ sau lễ hội Dhanteras. Ngoài ra, vào ngày lễ Diwali diễn ra vào 27/10 hàng năm, người dân Ấn Độ cũng mua khá nhiều vàng…

Như vậy, tục lệ mua vàng vào ngày vía Thần Tài chỉ có tại Việt Nam, chứ chưa thấy xuất hiện ở các quốc gia khác.

Thần Tài có thực sự gõ cửa?

Vào ngày vía Thần Tài, ở tất cả các cửa hàng vàng lớn nhỏ đều có dòng người xếp hàng dài để chờ mua vàng, thậm chí ở những cửa hàng vàng uy tín còn có tình trạng khan hiếm vàng, phải viết giầy hẹn giao vàng sau đó vài ba ngày cho khách hàng.

Đáng chú ý, trong ngày vía Thần Tài, các doanh nghiệp vàng thường đẩy giá bán vàng lên cao hơn giá mua tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu VND mỗi lượng, rồi hôm sau giảm xuống, khiến người mua chịu lỗ nặng.

Giá vàng tăng mạnh khi nhu cầu tăng đột biến là điều bình thường, nhưng doanh nghiệp tăng giá bán quá mạnh vào ngày vía Thần Tài là điều bất thường. Chính vì vậy, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.

Phong trào mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài ở Việt Nam được các doanh nghiệp kinh doanh vàng khởi xướng từ khoảng hơn 10 năm nay, ăn theo các mặt hàng gây sốt trong ngày này, như cá lóc, heo quay… Việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài có đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ hay không thì chưa có bằng chứng nào xác thực.

Anh Nguyễn Bắc Hải, nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi là dân đầu tư tài chính, nên cũng khá sùng bài các tục lệ cầu may, cầu tài lộc. Năm nào tôi cũng mua vàng ngày vía Thần Tài, nhưng cảm thấy cũng không ứng nghiệm lắm. Có năm thì đầu tư lãi lớn, nhưng có năm thua lỗ nặng. Điều này cho thấy, có được tài lộc hay không phải dựa vào năng lực của mình, chứ không phải vì mua vàng cầu tài lộc ngày vía Thần Tài”.

Chị Hải Yến, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, dù không biết mua vàng ngày vía Thần Tài có mang lại may mắn, tài lộc cho mình hay không, nhưng năm nào chị cũng mua vàng cầu may. “Năm nay tôi sẽ không xếp hàng mua vàng vía Thần Tài như các năm trước, mà sẽ đặt mua online vì sợ nhiễm dịch corona”, chị Hải Yến chia sẻ.

Một chuyên gia phong thủy cho rằng, ai cũng có tín ngưỡng của riêng mình, có người thích đi chùa lễ phật cầu may, có người thích hầu đồng, có người thích mua vàng ngày vía Thần Tài… “Đi lễ chùa thì phải tín tâm, chứ không phải cứ cúng bái nhiều lễ vật, thì có nhiều tài lộc. Tương tự như vậy, không phải cứ mua nhiều vàng vào ngày vía Thần Tài, thì sẽ có tài lộc sung túc cả năm”, vị chuyên gia phong thủy nói trên chia sẻ và nhấn mạnh, nếu mua vàng vào ngày vía Thần Tài mà phát tài, giàu có cả năm thì ai cũng đổ xô đi mua vàng. Do đó, người dân không nên quá mê muội mà mua thật nhiều vàng vào ngày vía Thần Tài, như vậy chỉ thiệt hại về kinh tế, còn tài lộc chẳng thấy đâu.

N.Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.