|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mua nhà máy hoang rồi bán với giá gấp 3 lần: Thương vụ để đời của tỉ phú chuyên săn công trình cũ

06:40 | 14/02/2020
Chia sẻ
2 năm sau khi mua nhà máy nhựa bỏ hoang, Tang Shing-bor bán nhà máy với mức giá gấp 3 lần. Bản thân ông cũng bất ngờ trước tỉ suất lợi nhuận khủng ấy.

Khi Tang Shing-bor gặp nhà máy nhựa Tins Plaza, nó chỉ là công trình đổ nát ở quận Tuen Mun thuộc thành phố Hong Kong. Nhưng Tang Shing-bor xác định nó là món hời nên ông quyết định mua vào năm 2005 với giá 280 triệu HKD (36 triệu USD).

Ông chỉ chi ra 28 triệu HKD và thế chấp các tòa nhà đang sở hữu để vay vốn của ngân hàng.

Nửa năm sau, một công ty Australia - Macquarie Goodman - đề nghị mua tòa nhà với giá 500 triệu HKD. Đến tháng 10 năm đó, quỹ đầu tư bất động sản Mapletree của Singapore trả giá 520 triệu HKD. Tang đều từ chối vì ông biết bất động sản thương mại có giá cao hơn bất động sản công nghiệp. 

Do vậy, ông chủ trương biến Tins Plaza thành thương mại. 2 năm sau, một nhà điều hành của Macquarie bay từ Sydney sang gặp ông với lời đề nghị mới - 850 triệu HKD. Tang đã bán Macquarie Tins Plaza, kiếm lời 570 triệu HKD. 

"Tins Plaza là giao dịch đáng nhớ nhất của tôi", ông thổ lộ.

Nhờ mua các bất động sản công nghiệp bỏ hoang như Tins Plaza, rồi bán lại, hoặc cải tạo lại, Tang đã thoát bờ vực phá sản năm 2003 và trở thành tỷ phú năm 2016. Hiện tại, ở tuổi 86, ông là người giàu thứ 14 Hong Kong, theo Forbes, với tài sản 5,7 tỷ USD.

Giải pháp chống đỡ trong dịch SARS của tỉ phú kiếm tiền nhờ săn nhà hoang - Ảnh 1.

Tỉ phú Tang Shing-bor, người mang biệt danh "chú Bor" trong giới bất động sản Hong Kong. Ảnh:

Tang nổi tiếng với những thương vụ ngược trào lưu. Dù cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng làm chao đảo thị trường bất động sản Hong Kong, Tang vẫn đang đổ tiền ồ ạt vào bất động sản công nghiệp tại xứ cảng thơm.

Năm ngoái, ông đã chi 700 triệu USD để mua bất động sản công nghiệp. Số liệu từ hãng nghiên cứu Real Capital Analytics cho thấy Tang là người mua bất động sản công nghiệp Hong Kong nhiều nhất năm 2019.

"Giai đoạn hiện nay là cơ hội tiềm năng nhất tôi từng thấy", Tang nhận định trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại một trong các tòa nhà của ông ở quận Mong Kok - chỉ cách vài tòa nhà so với địa điểm mà một số cuộc biểu tình diễn ra. Khi phỏng vấn diễn ra, ông liên tục nhận điện thoại từ các môi giới, hãng bất động sản và luật sư.

Thương vụ kế tiếp của ông là một tòa nhà đổ nát gần sân bay cũ Kai Tak của thành phố. Chính quyền Hong Kong đang đấu giá tòa nhà để tái thiết. Với Tang, bất ổn chính trị tại Hong Kong chỉ giúp ông có nhiều cơ hội kiếm lời hơn.

Sự nhạy cảm của Tang trong việc tìm ra và cải tạo lại các phế tích của Hong Kong khi còn là trung tâm sản xuất đã hấp dẫn nhiều đối tác, như Chinese Estates Holdings và Jiayuan International. Cả hai đều đã lập liên doanh với công ty ông - Stan Group để cải tạo các bất động sản công nghiệp. 

"Ông Tang làm việc rất hiệu quả và có kinh nghiệm", Joseph Lam - một lãnh đạo tại Colliers International nhận xét.

"Chú Bor" là biệt danh mà giới bất động sản Hong Kong gọi Tang. Ngoài địa ốc, Tang từng sản xuất bóng đèn neon thập niên 50 và quản lý nhà hàng thập niên 70. Hành trình kinh doanh của ông phản ánh sự phát triển của Hong Kong vài thập niên qua.

Tang chỉ tốt nghiệp tiểu học. Năm 1950, ông đi theo một người thợ làm biển hiệu neon để học việc. Năm 20 tuổi, ông mở cửa hàng riêng. Thành công từ cửa hàng này giúp ông có vốn mở quán ăn với bạn năm 1970. Từ đó, Tang bắt đầu đổ tiền vào hàng loạt nhà hàng.

Thập niên 80, ông mở rộng sang hàng loạt mảng kinh doanh mới, trong đó có xe cũ. Dù vậy, ông thành danh nhờ việc mua đi bán lại các cửa hàng. Một trong các vụ đầu tư nổi bật nhất của ông là mua lại một tòa nhà cũ năm 1990 và cải tạo nó thành Mongkok Computer Centre nổi tiếng.

Đến năm 1997, Tang đã có hơn 200 cửa hàng trị giá gần 7,3 tỷ đôla Hong Kong (942 triệu USD) và bắt đầu lên kế hoạch IPO. Nhưng sau đó, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Thị trường bất động sản Hong Kong mất giá tới 70% giai đoạn 1997 - 2004, một phần do dịch SARS bùng nổ. Đến năm 2004, Tang đã gánh khoản nợ 4 tỷ đôla Hong Kong.

Ông bắt đầu bán bớt tài sản, kể cả Mongkok Computer Centre. Dù vậy, Tang vẫn giữ lại các bất động sản công nghiệp mà ông bắt đầu mua từ năm 1996 để phòng rủi ro.

Sau đó, Tang không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông nhắm đến một nhà máy cũ khác gần đó - Gold Sun Industrial Building. Không như các thương vụ trước, Goldsun có nhiều chủ sở hữu, buộc ông phải đàm phán riêng lẻ. Tang mua tầng đầu tiên năm 2006, nhưng đến tận năm 2014 mới xong. "Tôi phải mua từng tầng một", ông nhớ lại.

Tang cũng gặp khá nhiều may mắn. Mong muốn tăng nguồn cung bất động sản cho văn phòng, khách sạn và khu mua sắm, chính quyền Hong Kong năm 2010 ra chính sách khuyến khích tái thiết bất động sản công nghiệp không sử dụng. Họ cũng gỡ bỏ hạn chế về quy mô dự án xây trên đất chuyển đổi từ mục đích công nghiệp. Vì thế, giá nhà máy tăng tới 152% giai đoạn 2010 - 2016.

Đến nay, Tang đã mua 73% các tòa nhà gần sân bay cũ. Việc tái thiết Kai Tak chắc chắn sẽ làm tăng giá bất động sản quanh khu này.

"Tôi rất lạc quan về tương lai của Hong Kong", Tang nói, "Tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm rồi. Luôn có cơ hội trong các rủi ro. Và đây là cơ hội của tôi".

Cửu Dương

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.