Mùa dịch Covid-19 ở Hà Nội: Shipper căng mình trả đơn hàng
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Tại Hà Nội, ngay sau khi phát hiện thêm bệnh nhân thứ 17 nhiễm SARS-CoV-2 từ ngày 6/3, nhu cầu mua sắm hàng hóa nhu yếu phẩm đã tăng mạnh.
Bên cạnh việc mua sắm trực tiếp từ các chợ dân sinh, siêu thị thì hình thức mua bán hàng trực tuyến, thanh toán online và qua kênh vận chuyển hàng hóa dịp này cũng có phần sôi động
Kênh mua – bán online phát huy hiệu quả
Các cửa hàng, quán ăn dịp này tiếp nhận đơn hàng và đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper) đang được xem là phương pháp hữu hiệu để áp dụng. Điều này vừa không làm giảm doanh thu của người bán lại dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách thuận lợi và an toàn nhất, trước bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 đang được đề cao.
Từ gần 1 tháng nay, anh Trần Đức Hùng, chủ cửa hàng bánh kẹo, sữa tại Đội Cấn, Hà Nội không khỏi lo lắng khi thấy lượng khách đến cửa hàng giảm sút nghiêm trọng, bởi dịch bệnh đã khiến nhiều người dân lo ngại khi đến những điểm đông người nên doanh thu bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm hơn 50%.
Tuy nhiên, để bù lại lượng khách này, anh Hùng đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng online, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook và khuyến khích khách hàng thanh toán online bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá. “Nhờ đó, doanh thu cửa hàng cũng cải thiện hơn, tổng lượng hàng bán ra tăng thêm được khoảng 30% so với khi không thực hiện mua bán online”, anh Hùng cho biết thêm.
Tương tự, chị Bùi Thu Huyền, chủ cửa hàng thiết bị vệ sinh ở phố Cát Linh, Hà Nội cũng cho biết: “Mấy ngày nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng khá nhiều, trung bình 10-20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi Hà Nội có thêm các ca dịch mới”.
Nắm bắt tâm lý khách hàng cần hạn chế ra ngoài mua sắm, và để hỗ trợ cho khách mua hàng, chị Huyền cho biết đã nhập thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đồng thời không tăng giá và hỗ trợ phần chi phí vận chuyển cho khách (tùy vào khoảng cách).
Không chỉ các cửa hàng đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm có số đơn hàng đặt online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên trông thấy.
Tại quán bún riêu phố Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội) chủ quán cho biết, do tâm lý lo ngại dịch của người dân trong những ngày qua, lượng hàng bán trong ngày của quán giảm đi rõ rệt, ước tính khoảng 30%-40%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 10-20 đơn/ngày, đã tăng lên 30-40 đơn/ngày.
Chị Hồng Mai phụ trách tiếp nhận giao đơn hàng cho biết, lượng người mua thông qua gọi điện, hay nhờ vận chuyển tăng khá mạnh từ cuối tuần trước. Hầu hết, khách hàng đều thanh toán thông qua chuyển khoản và nhờ người đến lấy hàng hộ. Bên cạnh đó, những khách thân quen của quán cũng tăng cường đến mua về, thay vì ngồi ăn tại quán. Ước tính số lượng mua hàng qua mạng cũng tăng khoảng 50-70%.
Shipper “chóng mặt” vì đơn hàng
Có thể thấy, khi nhu cầu mua sắm online tăng lên, doanh số bán hàng thông qua kênh trực tuyến ở Hà Nội đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi đó, các kênh bán hàng truyền thống, thanh toán tiền mặt lại có phần chững lại.
Anh Lê Ngọc Hiếu, quản lý giao nhận tại Công ty TNHH Dịch vụ Nguyên Anh, đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho biết, những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng hóa thiết yếu đều tăng rất mạnh. Nguyên nhân một phần do người dân lo ngại dịch bệnh có nhu cầu đặt hàng và nhiều đơn vị bán hàng có nhu cầu giao hàng tăng cao.
Trong khi đó, do nhiều trường Đại học tại Hà Nội vẫn tiếp tục cho sinh viên nghỉ học nên số lượng shipper (người đưa hàng) dịp này bị giảm mạnh. Điều này khiến cho lực lượng shipper tại Hà Nội lúc này luôn ở trong tình trạng quá tải, bởi đơn hàng nhiều mà shipper thì ít.
“Hiện nay, mức giá dịch vụ cho mỗi đơn hàng đã tăng từ 10 – 15% bất kì khoảng cách và thời gian nào. Tuy nhiên, do nhu cầu đặt dịch vụ tăng cao nên phần lớn đơn hàng khi bị giao – nhận vẫn bị chậm từ 30 – 45 phút bởi lực lượng shiper đang thiếu trong khi nhu cầu giao nhận lại tăng đột biến. Tuy nhiên, do lo ngại tiếp xúc với tiền mặt nên hầu hết 80% đơn hàng qua dịch vụ của công ty đều được thanh toán online từ trước”, anh Hiếu cho biết.
Shipper Nguyễn Mạnh Thắng của Grab cho biết, đơn hàng nhiều nhưng lái xe đợt này giảm mạnh nên nhiều đơn hàng bị bên giao và bên nhận rất khó chịu bởi chậm trễ. “Trưa nay có khách đặt chuyển món xôi gà từ 11 giờ nhưng đến hơn 12 giờ trưa mình mới giao được cho khách. Biết là chưa làm hài lòng khách hàng nhưng anh em chạy dịch vụ cũng “căng” hết sức vì đơn hàng quá nhiều nên mình vẫn phải cười xòa với khách với lý do dịch bệnh nên cũng được thông cảm”, anh Thắng cho biết.
Qua tìm hiểu một số kênh thông tin, mặc dù hiện tại các hãng giao nhận hàng hóa vẫn chưa có động thái tăng giá dịch vụ khi nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đột biến như hiện nay, rất nhiều khả năng các hãng vận chuyển sẽ tăng giá dịch vụ trong thời gian ngắn nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi mức giá dịch vụ tăng sẽ hấp dẫn và thu hút đông đảo hơn lực lượng giao hàng, qua đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh nhất.
Nhiều người dân cũng bày tỏ, dù nhu cầu giao nhận hàng hóa có tăng cao, nhưng người tiêu dùng vẫn cần lựa chọn những cửa hàng uy tín, các đơn vị vận chuyển uy tín bởi vẫn có nhiều shipper khi vận chuyển đã mở hàng hoặc làm mất hàng không lý do.
Anh Nguyễn Văn Mùi (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, khi mua hàng trực tuyến là hoàn toàn tin tưởng vào thương hiệu quảng cáo và có hạn chế là không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm, chất lượng nhiều khi không được như kỳ vọng. Trong khi dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc giao hàng cũng phải chờ đợi lâu hơn trước và có thể giá tăng cao hơn, nhưng hình thức đặt và nhận hàng qua trung gian vẫn là cách làm hợp lý nhất.