Mùa đại hội thêm nóng bức vì chuyện cổ tức
SHS: Chia cổ tức 2018 cho cổ phiếu phát hành năm 2019
Đầu tháng 4/2019, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS) hoàn tất các đợt phát hành gần 102 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.054 tỉ đồng lên 2.073 tỉ đồng. Cụ thể, công ty phát hành 26,35 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỉ lệ 25%, phát hành 70,27 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng tỉ lệ 3:2 và phát hành 5,26 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên.
Cả năm 2018, SHS tạo ra lợi nhuận sau thuế hơn 358 tỉ đồng và ban lãnh đạo công ty trình Đại hội cổ đông tổ chức ngày 23/4 thông qua kế hoạch trích một phần lợi nhuận này để trả cổ tức tiền mặt, tỉ lệ 15% mệnh giá, tức là mỗi cổ phiếu được nhận 1.500 đồng.
Điều đáng nói là SHS muốn trả cổ tức cho cả các cổ phần cũ (phát hành từ năm 2018 trở về trước) lẫn các cổ phần mới được phát hành đầu tháng 4/2019.
Đây trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt tại Đại hội cổ đông thường niên của công ty.
Một số cổ đông cá nhân cho bày tỏ sự không đồng ý với kế hoạch chia cổ tức này, lí do là kết quả kinh doanh năm 2018 đạt được là dựa trên số vốn điều lệ cũ (1.054 tỉ đồng), vì vậy khi chia cổ tức năm 2018 công ty chỉ nên chia cho các cổ phần tương ứng với vốn điều lệ cũ.
Theo các cổ đông này, việc phân phối lợi nhuận năm 2018 cho cả 102 triệu cổ phiếu vừa phát hành tháng 4/2019 – chỉ ít ngày trước ngày tổ chức Đại hội cổ đông - là vô lí.
Nếu chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức theo số cổ phần và vốn điều lệ cũ, tỉ lệ chi trả có thể được nâng từ 15% lên 30%.
Trước những ý kiến này của cổ đông, ban lãnh đạo SHS – cụ thể là Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) và Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến - cho biết bản thân rất hiểu và đồng tình với suy nghĩ của cổ đông. Tuy nhiên SHS là doanh nghiệp đại chúng, không phải công ty gia đình, phải làm việc theo Luật Doanh nghiệp 2014 và các qui định liên quan.
Lãnh đạo công ty cho biết đã liên hệ với Ủy ban Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký về vấn đề chốt danh sách trả cổ tức và được biết, sau khi đã hoàn tất các đợt phát hành tăng vốn kể trên thì không thể phân tách được danh sách cổ đông cũ và cổ đông mới và buộc phải trả cổ tức theo số cổ phần hiện tại (sau tăng vốn).
Chủ tịch HĐQT SHS - ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) trao đổi với cổ đông tại đại hội ngày 23/4. Ảnh: Đức Quyền.
Các cổ đông có mặt tại Đại hội không đồng ý với cách giải thích này và cho biết: Những cổ phần mới phát hành năm 2019 vẫn chưa được lưu kí (tính đến ngày họp Đại hội cổ đông) và do vậy, nếu SHS chốt quyền sớm, danh sách cổ đông sẽ không bao gồm số cổ phần mới phát hành.
Sau một thời gian trao đổi qua lại, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói: Nếu cổ đông vẫn còn băn khoăn thì sau đại hội có thể đến văn phòng công ty rồi cùng với Ban Kiểm soát công ty đến Ủy ban Chứng khoán để hỏi cho rõ.
SHB cùng lúc trả cổ tức của hai năm bằng cổ phiếu
Sau buổi sáng 23/4 căng thẳng tại đại hội cổ đông SHS, đến buổi chiều cùng ngày Chủ tịch Đỗ Quang Hiển tiếp tục phải trả lời cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHB) về vấn đề cổ tức
Cụ thể, tại Đại hội của SHB, một số cổ đông tỏ ra bức xúc khi đã 3 năm ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt. Cổ tức năm 2017 được quyết định trả bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% nhưng đến nay cổ đông vẫn chưa được nhận.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018, SHB dự tính tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 11%. Tính chung, SHB sẽ phát hành gần 253 triệu cổ phiếu để trả cả hai đợt cổ tức tổng tỉ lệ 21%, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm xấp xỉ 2.530 tỉ đồng.
Trước băn khoăn của cổ đông về việc có nhất thiết phải trả toàn bộ cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu hay không vì hệ số CAR của ngân hàng năm 2018 đạt 11,79%, cao hơn đáng kể mức qui định 9% của Ngân hàng Nhà nước.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết: Trong quá trình xử lí nợ xấu của Habubank (đã sáp nhập vào SHB) có nợ của Vinashin. Khoản nợ này được cho Công ty quản lí tài sản VAMC có thời gian trích lập là 8 năm. Theo Thông tư 08 của NHNN, những tổ chức tín dụng có trái phiếu VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức.
Đến tháng 10, SHB có thể chốt danh sách chia cố tức, từ nay (ngày đại hội) đến tháng 9, ban điều hành sẽ trích lập dự phòng để xử lí nợ xấu, giảm thời hạn trái phiếu này xuống 5 năm để đủ điều kiện chia cổ tức, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ.
Giá cổ phiếu SHS và SHB trong xu hướng giảm suy giảm trong một năm qua, hiện đang ở dưới mệnh giá.
Doanh nghiệp không trả cổ tức, cổ đông như đi làm không công
Một doanh nghiệp khác cũng khiến cổ đông ấm ức vì cổ tức là CTCP Tư vấn - Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC). Tại đại hội tổ chức ngày 20/4 vừa qua, một cổ đông phát biểu: Đã 3 năm rồi công ty không chia cổ tức, cổ đông đã chịu thiệt hại rất nhiều, không có thu nhập giống như đi làm mấy năm mà không có lương. Trong khi lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 là 90 tỉ, có thể chia ngay cổ tức 1,5%.
Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn thông tin, Hoàng Quân không thể chia cổ tức năm 2018 dù lợi nhuận chưa phân phối của công ty là hơn 90 tỉ đồng do những rào cản về pháp luật. Cụ thể, công ty đang vướng nợ thuế, có phần thặng dư vốn cổ phần âm và do tình hình công ty khó khăn.
Về lý thuyết, nhà đầu tư khi sở hữu cổ phiếu có thể có hai nguồn lợi ích, một là từ cổ tức và hai là từ sự tăng lên của giá cổ phiếu. Với trường hợp của Hoàng Quân, nhà đầu tư không được nhận cổ tức dù chỉ với tỉ lệ nhỏ nhoi 1,5%, mà giá cổ phiếu HQC cũng liên tục ở khoảng "trà đá" trong hơn 3 năm qua, kết phiên 26/4 ở 1.410 đồng/cp.
Giá cổ phiếu HQC luôn ở dưới mệnh giá trong hơn 3 năm qua. Khoảng một năm trở lại đây, giá cổ phiếu này còn dưới 3.000 đồng/cp. Nguồn: VNDirect.
Tổng công ty thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro - Mã: HTM) thì trình đại hội cổ đông thông qua việc không chi trả cổ tức năm 2018 do lợi nhuận của công ty quá thấp, chỉ 20 tỉ đồng. Sang năm 2019, công ty phấn đấu đạt lợi nhuận gần 60 tỉ đồng, trả cổ tức tỉ lệ 2%.
Một cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng mình là người đầu tư vào doanh nghiệp thì cần được hưởng lợi ích từ hoạt động của doanh nghiệp. Dù ít dù nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp cũng nên chia cho cổ đông chứ không thể không chia như năm 2018, và mức 2% của năm 2019 là rất thấp, chưa đáp ứng kì vọng của cổ đông. "Tôi đầu tư mấy chục tỉ đồng vào cổ phiếu Hapro, số tiền đó tôi có thể gửi ngân hàng, không cần lo nghĩ gì cũng được hưởng lãi ít nhất 5-7%/năm", một cổ đông lên tiếng.
Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn rất chia sẻ băn khoăn của cổ đông: "Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế năm nay gần 60 tỉ đồng và cổ tức 2%, tăng đáng kể so với thực hiện năm 2018 nhưng vẫn quá thấp so với kì vọng của nhiều cổ đông cũng như mức vốn chủ sở hữu 2.200 tỉ đồng. Tự chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi đặt mục tiêu lợi nhuận và cổ tức quá thấp như vậy".
Băn khoăn khi nào sẽ chi trả?
Ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi và có chia cổ tức tiền mặt, cuộc đối thoại giữa cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra ít căng thẳng hơn rất nhiều nhưng vẫn còn đó những băn khoăn.
Chẳng hạn tại Đại hội cổ đông CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), một cổ đông nhất trí với phương án trả cổ tức tiền mặt tỉ lệ 8% và đồng thời đề nghị ban lãnh đạo công ty nhanh chóng chi trả để cổ đông yên tâm. Ông Đỗ Huy Hoài – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BSC hứa sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để chi trả cho cổ đông sớm nhất có thể.
Tại Đại hội cổ đông của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc – Mã: CTS), một cổ đông đề nghị ban lãnh đạo cho biết chính xác khi nào công ty sẽ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2018.
Tổng Giám đốc VietinbankSc Khổn Phan Đức (ngoài cùng bên phải) trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Song Ngọc
Tổng Giám đốc Khổng Phan Đức cho biết chưa thể trả lời chính xác tháng mấy sẽ thực hiện chi trả vì phải phụ thuộc vào dòng tiền của công ty. Đợt cổ tức có tổng trị giá khoảng 110 tỉ đồng, theo ông Đức, đây là một con số khá lớn, công ty cần thời gian để chuẩn bị, cân đối.