|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019?

07:35 | 23/04/2019
Chia sẻ
Công ty chứng khoán SHS mới hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỉ đồng và công ty dự kiến trả cổ tức tiền mặt năm 2018 dựa trên vốn điều lệ mới này, đây là nội dung được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong buổi đại hội cổ đông sáng 23/4

Sáng nay 23/4, CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 tại Hà Nội. 

Thảo luận với cổ đông

Một cổ đông từ TP HCM ra Hà Nội dự họp (mã cổ đông 101592) đặt câu hỏi: Năm 2018 công ty phát hành cổ phiếu gồm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu ESOP và chào bán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ hơn 1.000 tỉ đồng lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của công ty năm 2018 rất đáng mừng, các công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC lãi giảm mạnh 35-40% mà SHS chỉ giảm ít.

Tuy nhiên về việc trả cổ tức tiền mặt, tại sao SHS lại định chia cho số cổ phiếu sau phát hành tăng vốn? Lợi nhuận đạt được năm 2018 là dựa trên số vốn điều lệ cũ, trước khi tăng vốn. Theo tôi chỉ nên chia cổ tức cho số cổ phần tương ứng với vốn điều lệ cũ 1.010 tỉ đồng, tỉ lệ cổ tức tiền mặt sẽ tăng gấp đôi từ 15% lên 30%.

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Về câu hỏi tại sao chia cổ tức cho số cổ phần sau tăng vốn, công ty phải làm việc theo Luật Doanh nghiệp 2014, trả cổ tức theo cổ đông trong danh sách tại ngày chốt. Đây không phải là việc muốn hay không mà phải làm theo luật.

Việc mở thêm các chi nhánh có hiệu quả không? Ban Tổng Giám đốc đánh giá thế nào?

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Chi nhánh TP HCM đóng góp 60 tỉ đồng lợi nhuận năm 2018, Chi nhánh Đà Nẵng nằm ở địa bàn khó khăn trong kinh doanh, những năm trước đây chi nhánh này lỗ nhưng năm 2018 cũng mang lại lợi nhuận 3-4 tỉ đồng.

Văn phòng giao dịch ở Đồng Nai, Quảng Ninh sinh lời tốt, SHS sẽ phát triển theo mô hình văn phòng đại diện và điểm giao dịch, mô hình chi nhánh khó mang lại hiệu quả. VPGD Đồng Nai chỉ có 3 cán bộ nhưng lợi nhuận mang lại gần bằng cả Chi nhánh Đà Nẵng.

Cổ đông: Đang có bao nhiêu nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty? Trong số này có bao nhiêu NĐT giao dịch 10-20 tỉ đồng/năm? Giao dịch trên 20 tỉ đồng/năm? NĐT lớn mới là những đối tượng mang lại lợi nhuận lớn.

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Về số tài khoản, SHS hiện có 42.655 tài khoản, gần 14.000 tài khoản có hoạt động. Giá trị chứng khoán của khách hàng là 24.900 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Ông Tiến cho rằng đây là con số khá cao, các NĐT tại SHS hiện nay đều là các khách hàng lớn, chuyên nghiệp mới có qui mô giao dịch lớn như vậy.

Sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài đang gây nhiều khó khăn cho vấn đề nhân sự của SHS. Công ty phải tăng chi phí nhân sự để giữ chân nhân tài, có chế độ đãi ngộ xứng đáng.Công ty có chiến lược cụ thể nào để cạnh tranh với các công ty chứng khoán lớn. 

Cổ đông: Thực tế với tôi, 10 công ty chứng khoán lớn nhất TP HCM đều đến nhà mời tôi mở tài khoản. Vậy SHS có chiến lược thế nào để thu hút nhà đầu tư lớn?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Thông tin tài chính của công ty là hoàn toàn minh bạch, tuy nhiên một số thông tin kinh doanh là bí mật, nếu công bố rộng rãi sẽ có lợi cho đối thủ cạnh tranh của công ty chứ không có lợi cho cổ đông. Chẳng hạn những thông tin như số nhà đầu tư giao dịch trên 10 tỉ, trên 20 tỉ, làm thế nào để thu hút NĐT lớn … lãnh đạo sẽ chỉ trao đổi riêng trong giờ giải lao.

Vị cổ đông này sau đó làm rõ ý của mình: Tôi không có ý định hỏi các chiến lược cao siêu hay bí mật kinh doanh của công ty mà muốn hỏi các giải pháp cụ thể. Ví dụ: Công ty chứng khoán ACBS sử dụng big data của ngân hàng mẹ ACB, tìm những khách hàng có số dư tiền gửi trên 5 tỉ đồng nhưng không mở tài khoản chứng khoán. Sau đó ACBS mời các khách hàng này đến dự các hội thảo về các ngành sữa, thép, thủy sản, … để thu hút những cá nhân có số tiền gửi lớn này đến dự rồi từ đó có khách hàng lớn.

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Về chiến lược thu hút khách hàng, đội ngũ môi giới của SHS hiện chỉ 70-80 người trong khi những công ty lớn như HSC có đội ngũ môi giới 300-400 người. SHS đang cân nhắc các phương án phát triển, theo chiều rộng hay chiều sâu. Việc tổ chức nhiều hội thảo như các CTCK khác, SHS không nhận thấy hiệu quả từ hoạt động này. Công ty sẽ cân nhắc việc mở động về môi giới và thị phần, tuy nhiên vẫn quán triệt phương châm về tập trung vào các khách hàng lớn.

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019? - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông SHS sáng nay. Ảnh: Đức Quyền.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Mỗi doanh nghiệp có chiến lược cạnh tranh riêng, khác biệt. ACBS có đối tác chiến lược là ngân hàng và SHS cũng có đối tác ngân hàng hỗ trợ. SHS cũng có giải pháp riêng mình cho từng nhóm khách hàng, từng vùng miền, ... 

Cổ đông: Công ty vừa tăng vốn gấp đôi, từ 1.000 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng, tuy nhiên kế hoạch kinh doanh không có thay đổi gì nhiều? Vậy công ty có kế hoạch sử dụng số vốn tăng lên như thế nào? 

Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến: Năm 2018 SHS vốn chỉ 1.000 tỉ đồng nhưng hoạt động như những công ty vốn 3.000 tỉ đồng, đạt được như vậy là nhờ công ty sử dụng các công cụ tài chính. Năm nay SHS phải tăng vốn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính của công ty chứ không phải mở rộng qui mô. (Các năm trước, có khi tỉ lệ an toàn tài chính không đạt ngưỡng để tham gia thị trường phái sinh.)

Cổ đông: Tổ chức nào đã mua cổ phiếu phát hành thêm trong đợt chào bán vừa qua khi cổ đông không mua hết?

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Các cổ đông không thực hiện hết quyền mua cổ phiếu thì HĐQT đã chào bán cho các nhà đầu tư khác, và đã có 6 cổ đông đã mua hết, nộp tiền mua cổ phiếu đúng hạn. Công ty có thặng dư từ đợt phát hành này hơn 120 tỉ đồng.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Với câu hỏi về kế hoạch kinh doanh 2019, tôi muốn nó rõ thêm là SHS luôn có chiến lược tầm nhìn 3-5 năm và cụ thể trong từng giai đoạn. Về môi giới, SHS đã có mặt trong top 5-6, các hoạt động nghiệp vụ khác chưa vào top5. Định hướng trong thời gian tới SHS phải phát triển các mảng này.

Về chứng khoán phái sinh, Ủy ban Chứng khoán đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường này nhưng cũng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

Chiến lược của SHS mang tính cạnh tranh, dựa trên hệ sinh thái các doanh nghiệp có nguồn lực mạnh.

Nói thêm về ý chia cổ tức 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành 2019: Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng đây là quan tâm rất chính đáng của cổ đông, tuy nhiên ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức diễn ra sau khi công ty tăng vốn.

SHS đã hỏi ý kiến UBCKNN và Trung tâm lưu ký VSD xem có thể chốt danh sách cổ đông vào ngày 31/12/2018 không nhưng được trả lời là không.

Cổ đông: Tôi rất mui mừng khi công ty phát hành thành công với giá 12.000 đồng/cp, tạo ra thặng dư cho doanh nghiệp. Đợt phát hành tăng vốn thêm 1.000 tỉ đồng vừa rồi có thể được công ty dùng vào rất nhiều việc, nếu cho vay kí quĩ hết với lãi suất 12%/năm là SHS có thể thu về 120 tỉ đồng.

Về việc trả cổ tức cho cổ phiếu mới phát hành năm 2019, tôi cho rằng các cổ phần mới vẫn chưa lưu kí nên có thể tách được cổ đông mới và cổ đông cũ.

Tổng Giám đốc Vũ Đức Tiến: Kết quả đợt phát hành thành công đã được báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 12/4 vừa qua và theo luật công ty cần chia cổ tức theo vốn điều lệ mới.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Tôi rất mong chia cổ tức 2018 chỉ cho cổ đông 2018. Ban lãnh đạo rất hiểu băn khoăn của cổ đông nhưng cần thực hiện theo luật. Nếu cổ đông nào còn băn khoăn, có thể cùng Ban Kiểm soát SHS lên gặp Ủy ban Chứng khoán.

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019? - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT SHS Đỗ Quang Hiển. Ảnh: Đức Quyền.

Điểm qua hoạt động năm 2018, Hội đồng quản trị SHS cho biết công ty đạt Tổng doanh thu xấp xỉ 1.248 tỉ đồng, thực hiện 91,1% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế 358 tỉ đồng, thực hiện 92,5%.

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019? - Ảnh 3.

Nguồn: SHS

Công ty dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 15% vốn điều lệ sau khi phát hành tăng vốn năm 2018, mỗi cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Với số vốn sau khi  Ước tính công ty sẽ phải chi khoảng 310 tỉ đồng cho đợt cổ tức này.

Đại hội lần này cũng sẽ biểu quyết việc bầu bổ sung một thành viên HĐQT thay cho ông Nguyễn Văn Hưng được HĐQT miễn nhiệm từ ngày ngày 11/4 năm nay theo nguyện vọng cá nhân.

HĐQT đã ra quyết định bổ nhiệm ông Mai Anh Chính thay thế giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kì 2017-2022 từ ngày 11/4. Do vậy, Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng Cổ đông thông qua quyết định của về việc thay đổi Thành viên HĐQT này

Ông Mai Anh Chính sinh tháng 10/1976 tại Thái Bình. Ông có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân luật, Cử nhân ngoại ngữ.

Từ tháng 11/2018 đến nay, ông Chính là Trưởng phòng Dịch vụ tài chính, ban Dịch vụ Tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Trước đó, ông trải qua các vị trí công tác tại AIA Việt Nam, Ocean Bank, …. Ông Chính hiện không sở hữu cổ phiếu SHS.

Quá trình công tác của ông Mai Anh Chính: 

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019? - Ảnh 4.

Nguồn: SHS

CTCP Tập đoàn T&T có vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng, trong đó Tổng Giám đốc Đỗ Quang Hiển góp 14.770 tỉ đồng (chiếm 98,47%). Ông Hiển đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán SHS và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Tập đoàn T&T hiện đang sở hữu 5,81% vốn của Chứng khoán SHS.

Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn

Trong báo cáo gửi đến đại hội, Ban Tổng Giám đốc công ty đề ra kế hoạch kinh doanh 2019 với tổng doanh thu 1.291 tỉ đồng, tăng 3,45% so với thực hiện năm 2018, đóng góp chủ yếu là từ mảng đầu tư (41,3%) và lãi cho vay (30,2%).

Lợi nhuận trước thuế cả năm dự kiến đạt 420,3 tỉ đồng, tăng 2,3% so với kết quả năm 2018

ĐHCĐ Chứng khoán SHS: Tại sao chia cổ tức tiền mặt 2018 cho cả cổ phiếu mới phát hành năm 2019? - Ảnh 5.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của Chứng khoán SHS. Nguồn: SHS

Kết thúc quí I, Chứng khoán SHS đạt lợi nhuận trước thuế 74,6 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kì 2018 và thực hiện 17,75% kế hoạch cả năm nay.

Để lập kế hoạch doanh thu và lợi nhuận như trên, Chứng khoán SHS đưa ra một số giả định và dự báo về những thuận lợi và khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019. Cụ thể:

Những thuận lợi:

Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực, nền tảng vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển.

Trong năm 2019, với việc môi trường kinh doanh được cải thiện, nợ xấu của hệ thống ngân hàng được xử lý giảm, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được dự báo tiếp đà tăng trưởng cùng với việc thị trường chung đã có sự điều chỉnh khá trong năm 2018 qua đó đưa mặt bằng định giá về mức thấp hơn qua đó giúp gia tăng sự hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư chứng khoán.

Chủ trương tiếp tục cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Mobifone, VNPT, Satra, Genco 2, Genco 1, Vinachem, Vinataba … thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết như ACV, Vietnam Airlines, Viglacera, PV Gas, Petrolimex…cùng với quá trình chuyển sàn của nhiều mã lớn từ UPCoM sang sàn niêm yết sẽ giúp cho thị trường có thêm hàng hóa có chất lượng cũng như tăng thêm thanh khoản.

Cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng thị trường, tăng tỉ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI (tháng 6/2019) và khả năng đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thành Thị trường Mới nổi (Emerging Market) trong giai đoạn 2019 - 2020.

Những khó khăn:

Kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019,chủ nghĩa bảo hộ và những căng thẳng thương mại giữa các quốc gia có thể tạo ra những tác động xấu tới kinh tế Việt Nam.

Những thay đổi về chính sách của Mỹ, tăng lãi suất của FED, sự bất ổn tại Châu Âu có thể sẽ tiếp tục tác động tới dòng vốn toàn cầu bao gồm cả Việt Nam.

Dòng tiền đầu tư chứng khoán tiếp tục gặp nhiều khó khăn do: 1/Chịu tác động từ Thông tư 36, Thông tư 07; 2/Chính sách hạn chế dòng tín dụng từ ngân hàng cho các hoạt động rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh chứng khoán; 3/ UBCKNN tăng cường quá trình kiểm soát rủi ro tại các CTCK trong đó đặc biệt là hoạt động cấp margin.

Hoạt động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phân hóa mạnh đòi hòi các hoạt động đầu tư, tư vấn đầu tư của các CTCK cũng cần linh hoạt và nhanh nhạy hơn.

Áp lực nguồn cung ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của thị trường. Cùng với quá trình tái cấu trúc DNNN, lượng lớn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và chủ trương niêm yết các cổ phiếu của các doanh nghiệp đã IPO sẽ làm gia tăng lượng cổ phiếu niêm yết gây sức ép không nhỏ đến sự tăng trưởng chung của thị trường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.