Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Nóng chuyện tăng vốn, lo việc lên sàn
Cuối tháng 3 là thời điểm các ngân hàng rục rịch chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên hàng năm. Cho tới thời điểm hiện tại theo thông tin chính thức trên website, phần lớn các ngân hàng niêm yết trên sàn đã công bố thời gian tổ chức đại hội, tuy nhiên số lượng ngân hàng đưa ra tài liệu họp đại hội vẫn còn rất ít ỏi.
Trong những năm trước, các ngân hàng thường đưa ra tài liệu khá muộn, vào sát ngày diễn ra đại hội. Trong mùa đại hội năm nay, những điểm nóng dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư ngoài cổ tức là việc tăng vốn, bầu nhân sự và lên sàn.
Ảnh minh hoạ.
Nóng vấn đề tăng vốn
Năm 2019 được đánh giá là một năm khá quan trọng đối với nhiều ngân hàng trong vấn đề tăng vốn. Khi thời điểm áp dụng Basel II tới gần (cuối năm 2020), yêu cầu tăng vốn lại trở nên càng cấp thiết hơn, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. 4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã từng "cầu cứu" về vấn đề này trong hội nghị tổng kết ngành có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
VietinBank là ngân hàng tiêu biểu với áp lực buộc tăng vốn nặng nề. Khả năng tăng vốn tự có, vốn điều lệ của ngân hàng được cho biết là đã được khai thác ở mức tới hạn và con đường duy nhất là tăng vốn cấp 1. Lãnh đạo ngân hàng cũng từng đề cập đến việc xin trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận hàng năm.
Trong đại hội sắp tới, VietinBank cũng dự định tiếp tục bàn về việc tăng vốn điều lệ và có lẽ phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 và tăng vốn sẽ là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất.
Các "ông lớn" khác như Vietcombank và BIDV hiện chưa công bố rõ về nội dung đại hội nhưng cả hai ngân hàng này đều đang hướng tới việc bán vốn cho đối tác ngoại và tăng thêm vốn bằng hình thức phát hành mới. Phương án bán vốn của BIDV cho KEB Hana Bank đã được phê duyệt và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2019, chi tiết về phương án này có thể sẽ được bàn đến trong đại hội năm nay.
Theo tài liệu vừa công bố, VIB dự kiến trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên mức tối đa 10.900 tỉ đồng, bao gồm cả kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Được biết hiện nay VIB còn gần 10% "room" cho nhà đầu tư nước ngoài.
VIB dự kiến chi trả 5,5% cổ tức bằng tiền mặt và 18% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu quĩ để thưởng cho nhân viên.
Các ngân hàng ACB, Nam A Bank cũng đề cập đến chuyện tăng vốn trong năm 2019 nhưng chưa đưa ra thông tin cụ thể. ACB dự kiến sẽ trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu và bán cổ phiếu quĩ. Còn về phần Nam A Bank, có lẽ sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn còn dang dở trong năm trước, tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng bằng phát hành thêm cổ phiếu.
Lo chuyện lên sàn
Ngoài vấn đề tăng vốn, chuyện lên sàn cũng là chủ đề "nóng hổi" của các nhà băng hiện nay khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 100% ngân hàng thương mại phải niêm yết chậm nhất vào 2020. Chỉ thị này khiến nhiều ngân hàng chưa niêm yết phải ra sức hơn trong quá trình thực hiện đăng kí giao dịch lên sàn chứng khoán trong năm nay.
Theo thống kê, chỉ mới có khoảng 50% các ngân hàng niêm yết trên sàn hoặc đăng kí giao dịch trên UPCoM (chỉ có 17 trong tổng số 34 ngân hàng có 17 ngân hàng). Trong đó có 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE (VCB, BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VPB), 3 ngân hàng niên yết trên HNX (ACB, NVB, SHB) và 4 ngân hàng trên UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB).
Danh sách cổ phiếu ngân hàng và mức biến động giá trong năm 2018 (Nguồn: DB tổng hợp)
Năm 2018 cũng được xem là năm lên sàn thành công của nhiều ngân hàng như Techcombank, HDBank, TPBank (niêm yết trên HOSE). Và trong năm nay, nhiều ngân hàng đã công bố dự kiến việc niêm yết trên sàn chứng khoán trong nội dung đại hội năm nay như Nam A Bank, VIB, MSB,...
Nam A Bank cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành của ngân hàng tại HOSE trong năm 2019. Trong năm 2018 ngân hàng cũng đã từng thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng kí giao dịch trên UPCoM (ngày 24/10/2018) nhưng sau đó không lâu quá trình này lại bị hoãn lại và chưa có thông báo mới. Động thái này cho thấy rất có thể ngân hàng sẽ bỏ qua UPCoM để lên thẳng sàn HOSE.
VIB cũng sốt sắng việc lên sàn HOSE và sẽ đề xuất vấn đề này trong đại hội cổ đông năm 2019. Ngân hàng cho biết mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn để nhằm tối ưu quyền lợi cho cổ đông và ngân hàng.
Cùng với đó, MSB (trước đây là Maritime Bank) cho biết sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quí III/2019.
Ngoài những gương mặt này, cũng có một số ngân hàng đánh tiếng muốn lên sàn trong thời gian tới như SeABank, OCB, ABBank,...
Thay máu nhân sự cấp cao?
Việc thay đổi nhân sự cấp cao cũng là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý. MBBank và VIB sẽ thực hiện bầu ban quản trị và ban kiểm soát (BKS) nhiệm kì mới 2019 - 2024. Hội đồng quản trị (HĐQT) của VIB sẽ gồm 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên người nước ngoài và 3 thành viên BKS chuyên trách.
Mới đây, SCB cũng cho biết sẽ bầu bổ sung hai thành viên thuộc HĐQT và hai thành viên thuộc BKS do 4 người nắm giữ ở những vị trí này đã có đơn xin từ nhiệm. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kì 2017 - 2022 của SCB là 7 người trong đó có một thành viên độc lập và số lượng thành viên Ban Kiểm soát là 4 người.
Một số ngân hàng khác cũng đánh tiếng sẽ có sự thay đổi về nhân sự như VietinBank, Eximbank. Theo thông tin cho biết trên báo Đầu tư, Tổng giám đốc Eximbank, ông Lê Văn Quyết đã đề xuất với HĐQT về nguyện vọng tìm kiếm Tổng giám đốc mới sau ồn ào về vụ mất hàng trăm tỉ đồng của khách hàng. Người kế nhiệm cho "chiếc ghế nóng" này được đồn đoán là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh.
Với những vấn đề nóng sốt trên, mùa đại hội ngân hàng năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều thông tin đáng mong đợi đối với các nhà đầu tư.