|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thời điểm thuận lợi để ngân hàng lên sàn

10:31 | 16/03/2019
Chia sẻ
Năm nay có phải thời điểm thuận lợi để lên sàn không. Để tìm câu trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc chiến lược của CTCK PSI.
Thời điểm thuận lợi để ngân hàng lên sàn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo ông vì sao một số ngân hàng dù rậm rịch khá lâu mà chưa thể lên sàn được?

So với DN ngành khác, việc lên sàn của ngân hàng tương đối khó hơn. Các ngân hàng phải chuẩn bị rất kỹ từ các khâu định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, đến vấn đề sở hữu, báo cáo tài chính phải rất minh bạch, nợ xấu phải được hạch toán chính xác, khâu truyền thông cũng phải làm rất tốt như đẩy mạnh thông tin tích cực trước thời điểm lên sàn… để thuyết phục các cổ đông chiến lược cũng như thu hút sự quan tâm của các NĐT.

Thực tế, như bạn biết, một số ngân hàng rập rình lên sàn từ nhiều năm nay, nhưng do chưa thuyết phục được các cổ đông lớn, các công ty con… nên chưa thể thực hiện được kế hoạch. Do vậy, với các ngân hàng không phải muốn lên sàn lúc nào cũng được mà phải có lộ trình cụ thể với kế hoạch chi tiết, bài bản; trong đó quan trọng nhất là phải xử lý các vấn đề nội tại của chính ngân hàng đó như nợ xấu, sở hữu chéo, báo cáo tài chính có đẹp hay không…

Vậy năm nay, có phải là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng lên sàn không, thưa ông?

Tôi nghĩ năm 2019 là năm thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện kế hoạch lên sàn. Ngay giai đoạn đầu năm chứng minh cơ hội đó khi dòng tiền lớn đang đi vào thị trường. Xét ở góc độ vĩ mô, cũng có những thông tin tích cực. Trái ngược với nhiều dự báo thận trọng trước đây về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam, lạm phát… nhưng như chúng ta thấy, hiện tại, GDP tăng trưởng tốt, kinh tế Việt Nam cũng đang hưởng lợi câu chuyện từ chiến tranh thương mại…

Về nội tại, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang tốt lên theo hướng phát triển bền vững chứng tỏ hoạt động tái cấu trúc ngân hàng được thực hiện có hiệu quả. Các chính sách của cơ quan quản lý cũng đang hỗ trợ các ngân hàng như việc xếp hạng tín nhiệm TCTD của NHNN cũng là căn cứ cho NĐT xem xét đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.

Năm nay, tôi thấy rằng một số ngân hàng đánh tiếng lên sàn như MaritimeBank, hay OCB… sẽ gặp thuận lợi khi niêm yết. Đối với OCB, việc ngân hàng này hoàn thành Basel II trước thời hạn là điểm cộng lớn cho họ trong mắt các NĐT. Vấn đề là các ngân hàng chọn thời điểm nào.

Theo tôi, nếu đầu năm chưa được, thì có thể thời điểm quý III, IV/2019 niêm yết thuận lợi hơn. Thời điểm đó, kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh ngân hàng thường tăng trưởng nhanh hơn. Các ngân hàng lên sàn nhiều khả năng thành công cao với giá cổ phiếu tốt. Tất nhiên, cơ hội thành công sẽ không phải dành cho tất cả các ngân hàng mà tùy theo “phân khúc”.

Hiện đã sắp đến mùa Đại hội cổ đông. Vậy theo ông, đâu là tâm điểm của các đại hội cổ đông ngân hàng năm nay?

Trên thực tế, trong năm qua hoạt động ngân hàng tốt hơn nhiều nên tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì gay gắt như những năm trước. Theo tôi, câu chuyện tăng vốn tiếp tục là trăn trở đối với các ngân hàng trong năm 2019 cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm nhất tại Đại hội cổ đông. Để tăng vốn, các ngân hàng có nhiều giải pháp để thực hiện như kêu gọi góp vốn của cổ đông chiến lược, chia cổ tức bằng cổ phiếu…

Xét trên nhiều yếu tố, khả năng nhiều ngân hàng chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Vì kêu gọi góp vốn cổ đông chiến lược thời điểm này khá khó khăn mà ngân hàng lại không thể chủ động được. Còn đối với chia cổ tức bằng cổ phiếu, các ngân hàng có thể chủ động được. Nhưng rõ ràng với hình thức tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến nhiều cổ đông nhỏ không thích. Lâu nay họ luôn thích được trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, phương án này vẫn khả thi. Các cổ đông của nhiều ngân hàng cũng đã quen với chia cổ tức bằng cổ phiếu. Các ngân hàng có bị NĐT, cổ đông trách họ cũng chịu, quan trọng là họ đạt mục tiêu chính tăng vốn, đáp ứng tiêu chí theo quy định của NHNN, thông lệ quốc tế. Nếu họ không tăng được vốn sẽ bị đẩy xuống các nhóm TCTD bị xếp hạng thấp. Như thế hoạt động kinh doanh ngân hàng bị tác động mạnh khi tăng trưởng tín dụng giảm, không được tham gia các hoạt động trên thị trường liên ngân hàng… Ngoài các phương án trên ngân hàng sẽ đợi thời điểm thị trường tăng tốt thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Xin cảm ơn ông!

Đẩy lùi tín dụng đen bằng tín dụng ngân hàng: còn nhiều khó khănĐẩy lùi tín dụng đen bằng tín dụng ngân hàng: còn nhiều khó khăn Ngân hàng tích cực giảm phí dịch vụNgân hàng tích cực giảm phí dịch vụ VDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàngVDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàng

Nguyễn Vũ