|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàng

15:20 | 14/03/2019
Chia sẻ
VDSC tỏ ra lo ngại hơn với gánh nặng dự phòng của BIDV, VPBank và VIB, khi các ngân hàng này đang có xu hướng tăng tỉ lệ nợ xấu và giảm tỉ lệ dự phòng dù đã tăng cường trích lập mạnh hơn so với tăng trưởng thu nhập hoạt động.
VDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Quá trình thu hồi nợ xấu của các ngân hàng đang tiến triển tích cực

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc thu hồi nợ xấu tiến triển tích cực đã làm gánh nặng chi phí dự phòng (so với tổng thu nhập hoạt động) giảm ở hầu hết các ngân hàng trong năm 2018.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của 10 ngân hàng niêm yết được VDSC theo dõi đã tăng 34,4% mặc dù tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 18,4% so với năm trước.

VDSC cho rằng điều này là nhờ xu hướng giảm chi phí dự phòng ở các ngân hàng đã tất toán hết nợ trái phiếu đặc biệt VAMC trong năm trước đó, mạnh nhất ở ACB và Techcombank. Ngoài ra, một điểm tích cực khác là tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) tiếp tục được nâng cao ở nhiều ngân hàng, điển hình như ACB, MBBank và Vietcombank.

Với các ngân hàng vẫn còn dư nợ VAMC, tiến độ thu hồi nợ xấu đã có tiến triển rất tốt nhờ tác động tích cực của Nghị quyết 42/2017/QH14 hiệu lực từ tháng 9 năm 2017.

Cụ thể, tại thời điểm cuối 2018, BIDV, VPBank và HDBank đã có thể thu hồi được 20 - 25% so với dư nợ VAMC vào thời điểm cuối năm trước đó. Nhờ đó, các ngân hàng này chỉ cần trích lập chi phí dự phòng VAMC không đáng kể hoặc thấp hơn nhiều so với năm 2017. Như vậy, dù tỉ lệ nợ xấu nội bảng cải thiện không nhiều thì tỉ lệ nợ xấu thực tế (nợ nội bảng và nợ VAMC) tại các ngân hàng này tiếp tục giảm đi đáng kể.

VDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: VDSC

Xem xét xu hướng hình thành nợ xấu tại 10 ngân hàng trên, VDSC cho rằng tỉ lệ hình thành nợ xấu nội bảng (không tính nợ VAMC) đang duy trì ở mức thấp và thậm chí giảm dần ở ACB, HDBank, Vietcombank và TPBank mặc dù xu hướng dịch chuyển sang cho vay bán lẻ vẫn đang tiếp diễn.

Mặt khác, đây đều là các ngân hàng có triển vọng tăng trưởng trung bình đến cao trong năm 2019, do vậy tỉ trọng của chi phí dự phòng so với thu nhập hoạt động kì vọng sẽ còn tiếp tục giảm.

Trái lại, tỉ lệ hình thành nợ xấu đã tăng khá mạnh ở BIDV, VPBank và VIB, cũng như tăng ở MBBank và Techcombank nhưng ở mức nhẹ hơn một chút. Đối với các ngân hàng này, VDSC cho rằng chi phí dự phòng sẽ tăng nhanh hơn nhóm trước, tuy nhiên ảnh hưởng lên lợi nhuận có thể sẽ phân hóa.

Cụ thể, MBBank với tiềm năng tăng trưởng thu nhập ở mức cao vẫn sẽ có khả năng trích lập dự phòng đầy đủ, xóa nợ sớm và duy trì chất lượng tài sản tốt. VDSC tỏ ra lo ngại hơn với gánh nặng dự phòng của BIDV, VPBank và VIB, khi các ngân hàng này đang có xu hướng tăng tỉ lệ nợ xấu và giảm tỉ lệ dự phòng dù đã tăng cường trích lập mạnh hơn so với tăng trưởng thu nhập hoạt động.

Đáng chú ý, BIDV và VPBank còn có kế hoạch tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm nay, trong khi VPBank và VIB đang có tỉ lệ nợ xấu cao hơn nhiều và tỉ lệ LLR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.

Cuối cùng, chất lượng tài sản cũng như ảnh hưởng của chi phí dự phòng tại VietinBank cũng cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình tái cơ cấu để xử lí nợ xấu của ngân hàng này.

VDSC lo ngại về gánh nặng dự phòng tại một số ngân hàng - Ảnh 3.

Nguồn: VDSC

Vào tháng 2, NHNN đã công bố dự thảo thông tư về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng nhất dịnh. Trong số 10 ngân hàng trên, các ngân hàng được hưởng lợi từ dự thảo này gồm có Vietcombank, VietinBank, BIDV và HDBank (nếu việc sáp nhập với PGBank được phê duyệt), theo đó phần nào giảm được chi phí huy động vốn. Trên cơ sở đó, VDSC kì vọng rằng chính sách này có thể gia tăng tính thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, qua đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất của chính phủ.

VietinBank bán 13.400 tỉ đồng nợ xấu sang VAMC?VietinBank bán 13.400 tỉ đồng nợ xấu sang VAMC? Tiến trình xử lí nợ xấu của Sacombank chậm hơn dự kiếnTiến trình xử lí nợ xấu của Sacombank chậm hơn dự kiến Agribank bán đấu giá lần thứ hai khoản nợ xấu trên 700 tỉ đồngAgribank bán đấu giá lần thứ hai khoản nợ xấu trên 700 tỉ đồng

Quốc Thụy