Tiến trình xử lí nợ xấu của Sacombank chậm hơn dự kiến
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), tiến triển trong xử lí tài sản xấu của Sacombank đang chậm hơn dự kiến. Theo thông tin vào cuối tháng 6/2018, giá trị gộp của các tài sản xấu là gần 80,7 nghìn tỉ đồng và giá trị thuần là 78,5 nghìn tỉ đồng (bằng 34,24% tổng dư nợ).
Như vậy từ năm 2015 đến tháng 6/2018, Sacombank đã giảm 4,6 nghìn tỉ đồng giá trị gộp tài sản xấu và giảm 5,37 nghìn tỉ đồng giá trị thuần.
Tổng giá trị tài sản xấu là quá lớn để trích lập dự phòng mặc dù thời gian trích lập lên đến 10 năm. Do vậy việc thu hồi được tài sản xấu có lẽ phụ thuộc vào việc thanh lí tài sản bảo đảm.
Hiện tại, Sacombank đang sử dụng những biện pháp xử lí nợ xấu như: thu hồi lãi và gốc quá hạn từ các tài sản xấu; bán TSBĐ của các khoản nợ xấu lớn với thời gian trả chậm từ 7- 10 năm kèm phí trả chậm, trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC và phân bổ dần lãi dự thu cần thoái vào chi phí lãi vay mỗi năm.
Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ xấu và trích lập dự phòng có vẻ rất chậm và bức tranh chung có lẽ chưa thay đổi nhiều trong 4 năm qua.
HSC nhận định do lãi dự thu từ tài sản xấu là bút toán hình thức trong nhiều năm và tiếp nhận từ Ngân hàng Phương Nam sau khi sáp nhập nên đây có thể là khoản lỗ tối thiểu và Sacombank phải chịu trong bất kì trường hợp nào. HSC cho rằng lãi dự thu bản chất là không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khả năng thu hồi là thấp.
Năm 2019, HSC kì vọng lợi nhuận trước thuế của Sacombank tăng trưởng ổn định từ 15 - 20% đạt 2.652 tỉ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng ước tăng trưởng 14%, thu nhập ngoài lãi tăng nhẹ 7,1% (4.331 tỉ đồng); trích lập dự phòng tăng 38,9% lên 2.211 tỉ đồng.