'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc khiến Lào thiệt nhiều mặt
Đoạn đường sắt cao tốc mà Trung Quốc đang hợp tác xây dựng tại Lào và Thái Lan - Ảnh: Nikkei Asian Review |
Trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai, một con đường, Lào và Trung Quốc đã hợp tác xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào.
Dự án tham vọng có vốn đầu tư 6 tỉ USD này được xem là một biểu tượng cho hợp tác song phương Lào - Trung, nhưng với việc để Trung Quốc nắm quyền kiểm soát dự án thì Lào đang phạm phải sai lầm, Nikkei Asian Review cho biết.
Chỉ toàn lao động Trung Quốc
Tại một địa điểm đang thi công gần thành phố Luang Prabang thuộc dự án đường sắt, ngôn ngữ mà những công nhân dùng để nói chuyện với nhau và hướng dẫn sử dụng các loại máy móc đều là tiếng Trung. Không một ai làm việc tại đây, kể cả người quản lý, nói đươc tiếng Lào, Nikkei Asian Review cho biết. Khi được hỏi, một công nhân cho biết mình là người Trung Quốc qua đây làm việc theo lệnh của ông chủ.
Theo những bảng thông tin dán trên hàng rào quanh công trường, một hệ thống đường sắt cao tốc sẽ được đưa vào sử dụng vào 5 năm sau. Bảng thông tin cũng không quên nhắc đến Một vành đai, một con đường và “hợp tác cùng có lợi”. Tuy vậy, những gì đang diễn ra tại đây không cho thấy có tình trạng hợp tác.
Những dự tính ban đầu cho thấy dự án này cần đến 100.000 lao động. Với đất nước chưa có những ngành công nghiệp nổi bật ngoài xuất khẩu thủy điện và khai thác tài nguyên như Lào thì đây là cơ hội vàng để thúc đẩy phát triển những ngành mới cũng như tạo thêm công ăn việc làm, nhưng hy vọng này giờ đã tiêu tan.
Hiện toàn bộ công tác thi công đã được giao cho Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (CREC). Một làn sóng người lao động và kỹ sư người Trung Quốc cũng theo đây mà tràn vào Lào làm việc, Nikkei Asian Review cho biết.
Một công trường thuộc dự án xây đường sắt tại Lào - Ảnh: Nikkei Asian Review |
Cũng theo Nikkei Asian Review, ngay cả chính phủ Lào cũng không biết chính xác số lượng lao động Trung Quốc đến Lào làm việc.
Thứ trưởng Công trình công cộng và Giao thông vận tải Lào Lattanamany Khounnyvong, người phụ trách quản lý dự án đường sắt, chia sẻ Lào rất muốn dùng càng nhiều lao động địa phương càng tốt, nhưng do Bắc Kinh là phía chi đến 70% vốn đầu tư cho dự án và Lào lại không có kinh nghiệm trong xây dựng đường sắt nên đành phải phụ thuộc vào công nghệ và nhân lực Trung Quốc.
Chi phí cao, lợi ích không rõ ràng
Theo nhà nghiên cứu Norihiko Yamada của Viện nghiên cứu Nền kinh tế các nước đang phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thì bản thân dự án xây đường sắt là bước đầu tiên để Lào phát triển kinh tế.
Nhà nghiên cứu Yamada phân tích, đường sắt có tầm quan trọng không thể bàn cãi đối với đất nước Lào gần 6,9 triệu dân. Nhưng do địa hình nhiều đồi núi và sông ngoài chằng chịt nên dự án đường sắt đòi hỏi phải xây dựng hàng chục đường hầm xuyên núi và khoảng 170 cây cầu. Chi phí phải bỏ ra để xây được như vậy là gấp đôi so với con số 3,6 tỉ USD ngân sách hàng năm của chính phủ Lào.
Asian Nikkei Review cho biết, hiện chính phủ Lào chịu 40% chi phí cho xây đường sắt (730 triệu USD), phần còn lại là vay mượn của Trung Quốc.
Chính phủ Lào dự kiến hệ thống đường sắt sẽ bắt đầu sinh lời trong sáu năm. Khoản lời này sẽ được dùng để trả nợ trong vòng 30 năm kể từ ngày hoàn thành dự án. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lattanamany cho biết kế hoạch trả nợ còn rất mơ hồ, ngoài ra những vấn đề liên quan đến công tác phát triển những khu vực dọc theo tuyến đường cũng chưa được quyết định.
Nguy cơ phụ thuộc kinh tế
Dự án hợp tác xây đường sắt Lào - Trung là một phần trong kế hoạch tạo ra hệ thống đường sắt dài 3.000 km chạy từ Lào qua Thái Lan rồi đến Malaysia và Singapore nhằm thực hiện sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Với dự án này, Lào sẽ trở thành cửa ngõ ra vào Đông Nam Á.
Hệ thống đường sắt sẽ cho phép người dân ở Luang Prabang đến Vientiane chỉ trong vòng 2-3 tiếng thay vì một ngày đi xe khách. Ngoài ra, tuyến đường kết nối trực tiếp với Trung Quốc này sẽ thay đổi cách mà hàng hóa và người dân di chuyển, theo Nikkei Asian Review.
Nikkei Asian Review cho biết, lượng tiền đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đổ vào đã làm thay đổi diện mạo đất nước Lào. Trong những năm qua, nhiều công ty Trung Quốc đã mở nhiều trung tâm thương mại tại thủ đô Vientiane cũng như xây dựng các chung cư cao cấp trong Đặc khu kinh tế That Luang Marsh nằm gần Vientiane. Với số tiền đầu tư lên đến 2,5 tỉ USD, Trung Quốc trong thời gian 2011 - 2015 là nhà đầu tư số một của Lào.
Theo Nikkei Asian Review, phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đem lại nhiều điều bất lợi. Tại Campuchia, Trung Quốc với tư cách nhà đầu tư số một của nước này đã cho thấy tầm ảnh hưởng đáng kể về mặt chính trị. Campuchia thường lên tiếng ủng hộ lập trường của chính quyền Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, khi các nước như Thái Lan và Indonesia ngày càng phụ thuộc vào tiền đầu tư từ Trung Quốc, khối đoàn kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nguy cơ bị chia rẽ.
Nikkei Asian Review đánh giá, hiện vẫn chưa thể xác định được dự án đường sắt hợp tác với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Lào như thế nào trong thời gian tới.
Lo với 'cái bẫy nợ kiểu Trung Quốc'
Sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc kỳ vọng tạo ra mạng lưới kết nối 3 châu lục, xuyên suốt từ Á sang ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/