|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lo với 'cái bẫy nợ kiểu Trung Quốc'

20:14 | 18/06/2017
Chia sẻ
Sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc kỳ vọng tạo ra mạng lưới kết nối 3 châu lục, xuyên suốt từ Á sang Phi rồi Âu. Nhưng vay tiền đầu tư sẽ chết với lãi suất khủng.
lo voi cai bay no kieu trung quoc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) được Tổng thống Sri Lanka khi đó là Mahinda Rajapaksa ra tận sân bay đón trong chuyến thăm năm 2014. Tổng thống Sri Lanka đương nhiệm Maithripala Sirisena sau nỗ lực "thoát Trung" bất thành phải tiếp tục chịu sự chi phối vì ôm nợ Trung Quốc từ chính quyền trước - Ảnh: Reuters

Nhiều nước nhỏ đã bắt đầu nhận ra làm ăn với Trung Quốc luôn đầy rẫy nguy cơ và hậu quả luôn khác xa so với những gì thấy ban đầu. Sri Lanka đang gánh những khoản nợ tài chính khổng lồ lãi suất cao của Trung Quốc vì những khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng. Nợ quốc tế của quốc đảo nhỏ bé này ước tính khoảng 64,9 tỉ USD, riêng Trung Quốc chiếm gần 8 tỉ USD.

Theo báo Economic Times, trong dự án cảng nước sâu Magampura Mahinda Rajapaska tại Hambantota, một mắt xích trong Sáng kiến Vành đai, Con đường" (BRI) tại Sri Lanka, chính phủ nước này vay 301 triệu USD từ Trung Quốc với lãi suất cao ngất ngưỡng 6,3%. Trong khi đó, lãi suất các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á chỉ từ 0,25 - 3%.

Kinh tế tăng trưởng chậm, Sri Lanka gần như mất khả năng chi trả cả nợ gốc lẫn lãi. Nói như một số học giả quan hệ quốc tế, Colombo đã rơi vào cái bẫy nợ của Bắc Kinh. Và để vùng vẫy, thoát khỏi cái bẫy này, chính phủ Sri Lanka quyết định đi đến giải pháp hoán đổi nợ thành cổ phần trong các dự án có vốn Trung Quốc. Điều này sớm muộn sẽ dẫn tới việc quốc đảo này mất quyền kiểm soát hoàn toàn vào tay Bắc Kinh trong các dự án trên đất Sri Lanka.

"Ngoại giao bẫy nợ"

Nếu có ai hỏi điều gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm rất tốt và vượt trội hơn cả Mỹ trên thế giới, câu trả lời chính là chiến lược "ngoại giao bẫy nợ".

Theo báo Economic Times, gần giống như với chính sách "cây gậy và củ cà rốt", Bắc Kinh đang sử dụng các công cụ kinh tế để tăng cường vị thế, mở rộng ảnh hưởng. Vẽ ra viễn cảnh với nhiều lợi ích kinh tế hấp dẫn cùng các khoản cam kết đầu tư hàng trăm tỉ USD, Bắc Kinh đang dần biến các nước nhỏ trở thành con nợ chịu sự chi phối.

Không phải quốc gia nào cũng là con nợ của Trung Quốc, hẳn nhiên là vậy. Cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới cũng chẳng dư tiền để cho các nước khác vay vô tội vạ.

Việc cho vay và vay để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng không hẳn đã là điều xấu. Nhưng ẩn đằng sau núi tiền của Trung Quốc là những toan tính chiến lược lớn mà đôi khi nó xâm phạm cả quyền tự quyết của một nước.

Báo Economic Times cho rằng trên thực tế, sự hỗ trợ của Trung Quốc không thực sự hướng tới phát triển nền kinh tế địa phương mà phần nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh xâm nhập thị trường, mở đường cho hàng hóa giá rẻ. Xa hơn nữa, nó là bước đi cần thiết để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nhiều nước.

Điển hình như châu Phi. Một loạt các dự án cảng biển và đường sắt của Bắc Kinh tại vùng Sừng lục địa đen sau khi hoàn thành sẽ tạo khai thông các dòng chảy khoáng sản về Trung Quốc. Cảng Magampura Mahinda Rajapaska của Sri Lanka như đã nói ở trên hay cảng Gwada tại Pakistan, sau hàng tỉ USD tiền vay để đầu tư, giờ trở nên hoang vắng.

Nhưng ngược lại, nó đã đi rất đúng hướng Bắc Kinh mong muốn: sự xuất hiện của các tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc tại hai cảng biển của hai quốc gia nằm phía đông và cực nam Ấn Độ đã cho thấy rõ điều đó. Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã tuyên bố gửi tàu chiến đến đồn trú tại cảng Gwada với lý do bảo vệ tài sản và tuyến đường hàng hải huyết mạch.

Vỡ nợ - vỡ mộng

lo voi cai bay no kieu trung quoc

Dòng chữ thể hiện sự giận dữ và phản đối của người dân địa phương tại khu vực dự kiến xây đập thủy điện Myitsone - Ảnh: Reuters

Sau Sri Lanka, Myanmar là quốc gia tiếp theo có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chính phủ Myanmar đang đứng trước sức ép phải chuyển giao đến 85% cổ phần tại dự án cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở bang nghèo nhất nước này cho Bắc Kinh, bất chấp thỏa thuận ban đầu mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần.

Từng được xem là biểu tượng của một Myanmar mở cửa và cải cách, vùng kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm trên đảo Ramree, bang Rakhine được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 100.000 việc làm khi có dòng tiền của Trung Quốc. Công việc ở đâu không thấy, chỉ thấy môi trường bị phá hủy và công nhân Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, người dân địa phương đã tức giận trước lời hứa hẹn của Bắc Kinh và sự "ngây thơ" của chính phủ.

Trước đó, dự án đập thủy điện Myitsone cũng đã vấp phải làn sóng chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của người dân Myanmar, buộc phải dừng thi công từ năm 2011.

Con đập trị giá 3,9 tỉ USD, có quy mô lớn thứ 15 thế giới do Trung Quốc đầu tư bị cáo buộc tàn phá môi trường nghiêm trọng và không đem lại lợi ích kinh tế cho Myanmar khi 90% lượng điện sản xuất sẽ chạy sang bên kia biên giới.

Gần đây, các nguồn tin từ chính quyền Myanmar tiết lộ Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Napiytaw phải "bồi thường" sự bế tắc ở đập Myitsone bằng các dự án khác ở nước này.

Campuchia cũng đang bị cảnh báo có nguy cơ trở thành Sri Lanka thứ hai. Báo cáo năm 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nợ nước ngoài của Campuchia là gần 5,5 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 70% (khoảng 3,9 tỉ USD).

Năm ngoái, trong chuyến thăm tới Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã xóa khoản nợ 90 triệu USD. Nhưng ít ai biết được đằng sau hành động tưởng chừng hào phóng đó, Trung Quốc đã mặc cả thêm vài dự án khác ở Campuchia, và hẳn nhiên, Bắc Kinh có toàn quyền quyết định.

Nước nhỏ khó từ chối

lo voi cai bay no kieu trung quoc

Học sinh Campuchia ôm chân dung ông Tập Cận Bình, vẫy cờ Trung Quốc khi ông đến thăm Campuchia tháng 10-2016 - Ảnh: AFP

Thiếu nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nước, không được các định chế tài chính do phương Tây kiểm soát đoái hoài, nhiều nước nhỏ, kém phát triển như thấy ốc đảo giữa sa mạc khi Trung Quốc chìa tay giúp đỡ.

"Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của chúng tôi rất lớn nên chúng tôi cần những khoản vay khổng lồ", Bộ trưởng Tài chính Bangladesh M.A. Mannan thừa nhận khi ông Tập Cận Bình đến Bangladesh hồi tháng 10 năm ngoái. Chuyến thăm đầu tiên của một vị chủ tịch nước Trung Quốc tới Bangladesh trong vòng 30 năm qua đã mang về cho Dhaka khoản tín dụng trị giá 24 tỉ USD - nhiều nhất từ trước đến nay - để xây dựng cảng biển nước sâu, đường sắt và nhà máy điện.

Hay như ở Nepal - một quốc gia có khả nhiều rủi ro về tài chính, Trung Quốc đã chủ động nắm đằng chuôi ngay từ đầu. Tháng 1-2017, chính phủ Nepal chấp nhận cho Trung Quốc đầu tư xây dựng một đập thủy điện với 75% cổ phần do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc nắm giữ.

Và còn nhiều, nhiều nữa những nước nhỏ đã mở cửa đón Trung Quốc như vậy. Nhìn ở mặt tích cực, đây là mối quan hệ cùng có lợi khi các nước có tiền để xoay xở còn các công ty xây dựng Trung Quốc có việc để làm. Nhưng đến khi nhận ra được mục đích thật sự của sự dễ dãi ban đầu và hàng tỉ USD kia là gì, nhiều nước chỉ biết lắc đầu ngao ngán bởi đã quá muộn để thoát khỏi cái vòng kim cô mang chữ "Nợ" của Trung Quốc.

Xét về mặt chiến lược, cả Myanmar, Campuchia hay Sri Lanka đều có giá trị chiến lược, vị trí và mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Nhưng có những bài học xương máu mà Campuchia hay Myanmar và nhiều nước nhỏ khác có thể học được từ Sri Lanka, tránh để rơi vào thế "đi cũng dở, ở cũng chẳng xong" vì ôm nợ Trung Quốc.

lo voi cai bay no kieu trung quoc IMF: Bất ổn chính sách tài chính Mỹ, nợ Trung Quốc tăng gây rủi ro cho kinh tế châu Á

Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự thiếu rõ ràng về quy mô chính sách kích thích tài ...

lo voi cai bay no kieu trung quoc Nợ Trung Quốc sẽ 'chất thành núi' sau khi bị hạ tín nhiệm

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bị hạ bậc tín dụng sẽ làm tăng chi phí đi vay nước ngoài của các ...

lo voi cai bay no kieu trung quoc Nợ lớn đặt Trung Quốc vào thế khó khi điều chỉnh chính sách tiền tệ

Chỉ riêng trong tháng 1/2017, số tiền mà các ngân hàng ở Trung Quốc cho vay còn lớn hơn GDP Nam Phi.

Duy Linh