|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một thành phố tăng trưởng tín dụng chỉ 0,09% sau 5 tháng

11:34 | 07/06/2024
Chia sẻ
Tăng trưởng tín dụng tại Đà Nẵng tính đến cuối tháng 5 chỉ đạt 0,09%, thấp hơn đáng kể so với kết quả của toàn nền kinh tế hay hai thành phố Hà Nội, TP HCM.

Chiều ngày 6/6, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú làm việc với ngành ngân hàng TP Đà Nẵng về công tác tín dụng 6 tháng đầu năm 2024

Theo Phó Thống đốc, Đà Nẵng là thành phố lớn trực thuộc Trung ương, nhưng tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 rất thấp, chỉ 0,09% trên tổng dư nợ. Do vậy, NHNN rất quan tâm, đã cấp tốc vào làm việc cùng với ngành ngân hàng của thành phố để có biện pháp tháo gỡ. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc với ngành ngân hàng Đà Nẵng. (Ảnh: SBV).

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng báo cáo ước tính đến cuối tháng 5/2024, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt 197.000 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, dư nợ cho vay khoảng 220.000 tỷ đồng, tăng 0,09% so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 5,09% so với cuối năm 2023, còn của TP HCM là 4,5%.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5 ở mức 2,41%. 

Nhìn chung, tín dụng đã có sự bứt tốc sau khi từng tăng trưởng âm vào hai tháng đầu năm.

Cũng theo ông Võ Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế như tăng trưởng tín dụng yếu. Theo ông, nguyên nhân chính là sức cầu tín dụng thấp. 

"Trên thực tế, Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao.

Thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm, doanh thu khách hàng suy giảm, hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt vay vốn, không còn tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay…", ông Minh cho hay. 

Dư nợ tín dụng tại Đà Nẵng gần như không thay đổi trong những tháng đầu năm.

Liệu có lợi ích nhóm trong thẩm định cho vay?

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tại Đà Nẵng đã nêu lên những vấn đề thực tế còn tồn tại dẫn đến khó tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Bình Vinh phản ánh những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

"Ví dụ, việc việc thẩm định lại tài sản sau ba năm và công ty thẩm định phải là công ty nằm trong danh sách do ngân hàng cung cấp. Đây là vấn đề rất bất cập, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Vì phí thẩm định cao gấp 2-3 lần so với các công ty thẩm định không nằm trong danh sách ngân hàng cung cấp", ông đặt câu hỏi rằng liệu có vấn đề lợi ích nhóm hay không.

Còn ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ phát biểu: “Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến khó tăng tín dụng trong thời gian qua là: suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, kéo theo tăng tín dụng khó". 

"Các tổ chức tín dụng (TCTD) nên hạ và ổn định lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực đối với doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tỷ giá và lãi suất cho vay phải luôn duy trì sự ổn định. Do đó, NHNN cần có chính sách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”, ông kiến nghị.

Cũng tại buổi làm việc, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết hiện "room" cho vay đối với lĩnh vực điện gần đến giới hạn cho phép, do đó đề nghị NHNN quan tâm, tạo điều để ngân hàng đầu tư tín dụng đối với ngành điện. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định tăng trưởng tín dụng thấp đến từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh ngành ngân hàng không hề thiếu vốn và khẳng định sẽ quyết liệt nỗ lực vượt qua khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn. Không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng.

Minh Quang