'Một số ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại'
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2023.
Theo đó, liên quan đến bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.
Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Bên cạnh đó, giao dịch trên thị trường vẫn trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động,…
Nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả phân khúc. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, giảm 50% so với cùng kỳ. Có 659 dự án đang triển khai xây dựng, giảm gần 40% so với 6 tháng cuối năm ngoái.
Với phân khúc nhà ở xã hội, có 4 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô 934 căn hộ. Hiện có một dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn.
Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn, tăng 33% so với quý IV/2022.
“6 tháng đầu năm nay, giá giao dịch bất động sản tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I năm nay. Giá chung cư tại các địa phương giảm 2-6, nhà ở riêng lẻ giảm 6-10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng 8-11% so với cùng kỳ năm ngoái", Bộ Xây dựng thông tin.
Về giao dịch, có khoảng 187.000 giao dịch thành công, giảm hơn 60% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn mới đây đã thông tin về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, theo ông Văn, Tổ công tác trong thời gian vừa qua đã trực tiếp đến nhiều địa phương, trong đó đặc biệt 6 địa phương đã được trực tiếp can thiệp. Trên cơ sở các báo cáo gửi về tổ công tác tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai và trong thời gian vừa qua, có ba nhóm khó khăn vướng mắc.
Về tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tổ chức triển khai thực hiện, Tổ công tác cũng đã nhận được khoảng 108 văn bản từ các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng đã rà soát, chuyển các văn bản này tới UBND tỉnh nếu thuộc thẩm quyền của các UBND tỉnh, thành phố; đồng thời trực tiếp giải quyết các trách nhiệm thuộc bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn.
Đối với các dự án cụ thể, theo ông Văn, trong thời gian vừa qua, Tổ công tác cũng đã giải quyết các vấn đề quan trọng, trước tiên là đôn đốc các địa phương, có rất nhiều vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền các địa phương phải chủ động giải quyết. Thứ hai là đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Thứ ba là phối hợp với các địa phương để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan đến các quyền của Thủ tướng Chính phủ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Diễn biến dòng vốn vào bất động sản nửa đầu năm 2023 05/07/2023 - 08:37
Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác làm việc trực tiếp để trao đổi. Nổi lên một số dự án, một số địa phương rất được quan tâm.
Ví dụ, ở Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án bất động sản lớn, trong đó có của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh; xác định các vấn đề khó khăn vướng mắc như vấn đề không thuộc quy hoạch hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Những nội dung này, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và ngày 31/5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với các phương án tham mưu của Tổ công tác, sẽ triển khai trong thời gian tới.
Hay ở TP HCM, Tổ công tác đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 nội dung về quy hoạch. Về cơ bản, một số kiến nghị thuộc về những lĩnh vực mà địa phương hiểu và chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ.
Còn đối với tỉnh Bình Thuận, có liên quan tới dự án của Novaland, Tổ công tác cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Thời gian vừa qua, các địa phương đều rất tích cực thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/