|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một nửa nhà đầu tư giàu có ở châu Á sở hữu bitcoin, tiền số

05:00 | 08/06/2022
Chia sẻ
Một nửa số nhà đầu tư giàu có ở châu Á sở hữu bitcoin, tiền số trong danh mục đầu tư của họ. Theo nghiên cứu từ Accenture, con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 73% vào cuối năm 2022.

Các nhà đầu tư giàu có ở châu Á không ngại chia sẻ các thông tin liên quan tới đầu tư tiền điện tử, bitcoin. Nghiên cứu mới nhất tiết lộ rằng 52% trong số họ nắm giữ một số dạng tài sản kỹ thuật số trong quý 1 năm nay, bao gồm cả bitcoin, ethereum và các đồng tiền số khác nữa.

Giới đầu tư giàu có tại châu Á tham vọng với tiền số

Theo nghiên cứu từ Accenture, gã khổng lồ về tư vấn và dịch vụ công nghệ toàn cầu, được công bố vào ngày 6/6, tài sản kỹ thuật số, bao gồm tiền số, stablecoin và quỹ tiền điện tử, chiếm trung bình 7% danh mục đầu tư của các nhà đầu tư được khảo sát, trở thành loại tài sản lớn thứ 5 đối với các nhà đầu tư trên toàn khu vực châu Á.

Nó nhiều hơn số tiền họ phân bổ cho ngoại tệ, hàng hóa và đồ sưu tầm, và trong một số trường hợp, ngang bằng hoặc vượt quá số tiền đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân/ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu cơ.

Danh mục đầu tư của hơn một nửa số nhà đầu tư lớn tại châu Á đều gồm bitcoin, tiền số. (Nguồn: Cryptogainn.com)

Trong báo cáo của mình, Accenture cho biết cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 3.200 khách hàng trên khắp Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Công ty định nghĩa nhà đầu tư giàu có là bất kỳ ai quản lý tài sản có thể đầu tư từ 100.000 USD đến 1 triệu USD.

Các nhà đầu tư ở Thái Lan và Indonesia có tỷ lệ tài sản kỹ thuật số lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ so với các nhà đầu tư ở quốc gia khác.

Mặc dù một nửa số nhà đầu tư ở châu Á đã nắm giữ tài sản kỹ thuật số trong quý 1 năm 2022, nhưng nghiên cứu của Accenture chỉ ra rằng 21% nữa dự kiến ​​sẽ đầu tư vào chúng vào cuối năm 2022. Xu hướng đó có nghĩa là 73% nhà đầu tư giàu có ở châu Á có thể nắm giữ tiền số và các tài sản kỹ thuật số vào cuối năm nay.

“Tài sản kỹ thuật số đại diện cho một không gian trắng rõ ràng hiếm có trong ngành với cơ hội kinh doanh quan trọng”, nhận định của Accenture chỉ rõ. 

Các nhà quản lý tài sản đang tự đặt giới hạn

Accenture nhận thấy rằng các công ty quản lý tài sản, những công ty cung cấp kế hoạch tài chính, thuế, tư vấn đầu tư và lập kế hoạch bất động sản cho khách hàng của họ, đã chậm chạp trong việc “lên con tàu” tiền điện tử.

67% các công ty quản lý tài sản cho biết họ không có kế hoạch cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tài sản kỹ thuật số.

“Đối với các công ty quản lý tài sản, tài sản kỹ thuật số là một cơ hội doanh thu 54 tỷ USD nhưng hầu hết họ đều đang bỏ qua", báo cáo tiết lộ.

Các công ty quản lý tài chính, đầu tư cho rằng sự thiếu niềm tin và hiểu biết về tài sản kỹ thuật số, tư duy chờ đợi và xem và sự phức tạp trong hoạt động của việc tung ra dịch vụ cung cấp tài sản kỹ thuật số là lý do chính để kìm hãm, khiến họ ưu tiên các sáng kiến ​​khác thay thế.

Accenture tuyên bố, việc thiếu sự tham gia của các công ty có nghĩa là các nhà đầu tư buộc phải nhận được lời khuyên tài chính của họ về tiền số từ các nguồn không đáng tin cậy.

“Sự thiếu tham gia này của các công ty có nghĩa là nhiều khách hàng đang tìm kiếm lời khuyên về tài sản kỹ thuật số trên các diễn đàn không được kiểm soát, bao gồm cả lời khuyên từ những người có kinh nghiệm tương tự trên phương tiện truyền thông xã hội”, báo cáo viết.

Tuy nhiên, Accenture đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty quản lý tài sản trong việc đẩy mạnh phát triển không gian tài sản kỹ thuật số, nếu không sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau: “Trong khi nhiều công ty do dự khi tham gia vào không gian tài sản ảo, thì vì nhiều lý do, các đối thủ của họ đã cho thấy rằng thành công là hoàn toàn có thể”.

Về phần mình, các nhà đầu tư châu Á đã bắt đầu quan tâm đến tiền điện tử, đặc biệt là trong năm 2021. Vào tháng 4/2022, một báo cáo của sàn giao dịch tiền điện tử Gemini cho thấy rằng việc chấp nhận tiền điện tử đã tăng vọt vào năm 2021, đặc biệt là ở các quốc gia như Ấn Độ và Hồng Kông. Khoảng 45% người được hỏi ở Châu Á - Thái Bình Dương đã mua tài sản tiền số đầu tiên của họ vào năm 2021.

Thu Phương

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …