Một ngày tăng giá 15 tỷ: Điên cuồng đặc khu, cơn sốt lịch sử
Ma trận đất thật, tiền ảo
Những tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS Phú Quốc sôi động bởi các nhà đầu tư TP.HCM và Hà Nội đổ xô về gom đất, khiến giá đất tăng nhanh chóng. Đây là đợt sốt đất mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, khi giá đất liên tục leo thang, có nơi tăng gấp 3-4 lần.
Nếu cách đây vài năm, chỉ cần vài trăm triệu đồng, người mua đã có thể sở hữu được một lô đất có diện tích khoảng 1.000 m2 thì giờ đây, số tiền đã tăng lên đến hàng tỷ đồng. Thậm chí, có nơi lên đến hàng chục tỷ đồng khi nằm gần với các tuyến đường giao thông chính, các khu du lịch ven biển nổi tiếng.
Theo chia sẻ của một nhân viên môi giới, có thửa đất, một ngày mua đi - bán lại đến 4 lần, đẩy giá từ 5 tỷ/công vào buổi sáng lên đến 20 tỷ đồng/công vào buổi chiều. Nhiều khu vực của Phú Quốc có giá đất ngang ngửa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhà đầu tư đua nhau đi săn đất đặc khu |
Không chỉ vậy, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ủy quyền; mua, bán đất trái quy định pháp luật tại Phú Quốc còn diễn ra đối với đất rừng, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất không rõ nguồn gốc... thông qua giấy tay.
Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết, từ tháng 9/2017 đến nay, văn phòng này tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi tháng. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 300 khách đến giao dịch.
Trước cơn sốt đất, cánh cò đất cũng mọc lên "như nấm" sau mưa. Nhiều người bỏ cả công ăn, việc làm trong đất liền để ra đảo làm cò, với hy vọng kiếm được khoản tiền trên lệch vài tỷ đồng sau mỗi phi vụ môi giới thành công.
Tại phía Bắc, vào đầu quý II, thị trường BĐS Vân Đồn vẫn tiếp tục giao dịch sôi động ở cả phân khúc đất dự án lẫn đất thổ cư trong dân. Số lượng sàn giao dịch BĐS và nhân viên môi giới tự do tăng lên đột biến, lượng nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến Vân Đồn để đầu tư, lướt sóng cũng được ghi nhận tăng kỷ lục.
Báo cáo thị trường BĐS quý II/2018 nhận định, trong ba đặc khu tương lai, Vân Đồn được đánh giá là có sự tăng giá đất nền rõ rệt nhất trong hơn một năm qua. 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, giá đất trung bình tại đây đã tăng tới hơn 3 lần, từ 7,2 triệu đồng/m2 lên 23 triệu đồng/m2. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, giá rao bán đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp tăng về số lượng, tập trung tại các xã: Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Đài Xuyên,...
Vân Phong cũng là điểm nóng của cơn sốt đất đặc khu. Làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc "tràn" vào gom đất Bắc Vân Phong. Lúc đất, nhiều người dân vẫn chưa nắm thông tin nơi này sẽ thành đặc khu kinh tế nên bán khá rẻ, chỉ vài ba trăm triệu 1.000m2, nhưng chỉ vài ngày các nhà đầu tư bơm thổi thông tin thị trường và bán ra được vài tỷ đồng/lô.
Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa - nói rằng, đó là “những cơn sốt của lòng tham”. Ông bảo “sốt” ở vịnh Vân Phong, thực chất là do các nhóm “cò đất” tự đẩy giá lên theo “ván cờ” mà họ xây dựng: Người trước lôi kéo người sau mua lại để ăn chênh lệch! Nó xuất phát từ chính lòng tham vô đáy và thói làm ăn cơ hội của những kẻ mông muội.
Cháy túi người mua cuối
Tuy nhiên, với việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 8 ngày 15/6/2018 chưa thông qua Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, dẫn tới sau thời điểm này giao dịch BĐS ở đây gần như “đóng băng”. Các nhà đầu tư, nhân viên môi giới tháo chạy ồ ạt khỏi những thị trường này. Hiện giá đất tại các khu vực trên vẫn giữ ở mức cao nhưng thanh khoản rất thấp.
Nhiều nhà đầu tư chôn vốn sau cơn sốt đất. |
Tại Phú Quốc, cơn sốt có dấu hiệu dịu lại khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra đất nông nghiệp ở đảo ngọc Phú Quốc. Tỉnh ủy Kiên Giang cũng có văn bản yêu cầu các ngành siết chặt công tác quản lý đất đai, chỉ đạo công an điều tra phá rừng, bao chiếm đất ở nơi sắp trở thành đặc khu kinh tế. Hàng chục văn phòng môi giới nhà đất vào cảnh "chợ chiều”, hàng trăm nhà đầu tư ngắn hạn đang ôm khá nhiều đất nền mà chưa thể chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng được.
Đầu tháng 5, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành quyết định tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, trường hợp đặc biệt thì báo cáo tỉnh xem xét, quyết định.
Sau “lệnh” tạm dừng giao dịch về đất đai tại huyện Vân Đồn, cùng với việc tỉnh kiểm tra các sàn giao dịch có dấu hiệu sai phạm, đầu cơ thổi giá đất, hầu hết các sàn giao dịch BĐS tại đây đã đóng cửa, nhân viên môi giới chạy thoát thân, số lượng giao dịch lập tức “lao dốc”, thị trường gần như “đóng băng”.
Trong cơn sốt đất tại Vạn Ninh, có đến 30 sàn giao dịch bất động sản được thành lập chóng vánh. Giờ thì chẳng còn cảnh tranh mua, tranh bán nữa. Nhiều sàn phải đóng cửa vì cả tuần không có nổi một giao dịch. Chẳng riêng các sàn môi giới nhà đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, phòng công chứng từ hàng trăm lượt người tới làm việc mỗi ngày, nay cũng thưa thớt hẳn.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) thì hầu hết các giao dịch mua đi bán lại tại các đặc khu kinh tế tạo nên cơn sốt đất thời gian qua đều là các nhà đầu tư lướt sóng, đợi sóng lên cao để bán lại kiếm lời. Song trong nhiều trường hợp, sóng không lên cao mà vẫn "mắc cạn".
Những nhà đầu tư chậm chân đến sau bị hút vào cơn lốc thổi giá với hy vọng đổi đời sau một đêm và các nhà đầu tư chân chính là những nạn nhân nặng nề nhất của cơn sốt đất này, ông Đính cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của HH Môi giới, sự kiện Quốc hội dừng thông qua Luật đặc khu được xem là cơ hội để sàng lọc nhà đầu tư, sàng lọc thị trường, giúp môi trường kinh doanh bất động sản ở các vùng dự kiến lên đặc khu chuyên nghiệp hơn.