|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một năm sau ngày lên đỉnh, giá cổ phiếu ROS đang đi về đâu?

16:03 | 19/11/2018
Chia sẻ
9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của FLC Faros bằng chưa đầy một nửa so với cùng kì. Giá cổ phiếu ROS cũng liên tục mò đáy và đã rơi xuống mức thấp nhất hai năm. Tuy nhiên, đang xuất hiện những ánh sáng le lói ở phía xa của đường hầm. 
mot nam sau ngay len dinh gia co phieu ros dang di ve dau FLC Faros muốn tăng vốn cho một công ty con gấp 6,3 lần

Liên tiếp lập đỉnh

Kể từ khi chào sàn HOSE vào tháng 9/2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros (sau đổi tên thành CTCP Xây dựng FLC Faros) đã cho thấy mình là một thành viên đặc biệt khi tăng trần 12 phiên liên tục, tạm nghỉ 5 phiên (trong đó có hai phiên đứng giá và hai phiên tăng) rồi lại tăng trần thêm 8 phiên nữa. Chỉ trong một tháng, giá cổ phiếu ROS tăng 225%, đưa vốn hóa thị trường của mã này lên 14.663 tỷ đồng.

Đáng chú ý hơn, trong giai đoạn hơn 3 tháng từ 14/12/2016 đến 18/3/2017: ngoài 1 phiên đứng giá, 1 phiên giảm 0,6%, còn lại tất cả phiên khác ROS đều đóng cửa trong sắc xanh. Việc ROS tăng giá gần như liên tục trong hơn 3 tháng tạo nên biểu đồ hình chiếc thước kẻ có lẽ là thành tích vô tiền khoáng hậu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 3/11/2017, sau nhiều phiên tăng nóng liên tiếp, giá cổ phiếu ROS lên đỉnh 214.100 đồng/cp (giá trước điều chỉnh), tương ứng với vốn hóa thị trường hơn 101.200 tỉ đồng.

mot nam sau ngay len dinh gia co phieu ros dang di ve dau
Giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017, ROS có nhiều phiên tăng giảm liên tiếp, tạo nên đồ thị giá với nhiều đường kẻ thẳng tắp - khác biệt hẳn với sự tăng giảm đan xen, đồ thị mấp mô của các cổ phiếu khác. Nguồn: VNDirect (giá đã điều chỉnh)

Với việc sở hữu 67,34% vốn điều lệ của FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Faros khi đó ôm khối cổ phiếu ROS trị giá hơn 68.000 tỉ đồng. Cộng thêm sở hữu tại CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Chứng khoán Artex, ông Trịnh Văn Quyết vững vàng ở ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh như ông Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CTCP Hàng không Vietjet) hay ông Trần Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát).

Ngày 29/12/2017 – ngày giao dịch cuối cùng của năm, giá cổ phiếu ROS đóng cửa ở 181.700 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh), tức giảm khoảng 15% so với đỉnh. Dù vậy, ông Quyết vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với số cổ phiếu trực tiếp sở hữu trị giá 58.851 tỉ đồng, đóng góp lớn nhất vào con số này là hơn 318 triệu cổ phiếu ROS.

Liên tục mò đáy

Bước sang năm 2018, giá cổ phiếu ROS không còn liên tục lập đỉnh mới như hai năm trước mà thay vào đó lại tụt dốc không phanh và liên tiếp “mò đáy”.

Kết phiên 16/11, giá ROS dừng ở 36.600 đồng/cp, chỉ bằng 1/4 so với đầu năm và giảm 83% so với đỉnh thiết lập năm 2017. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Vốn hóa cổ phiếu ROS giờ chỉ còn chưa đầy 21.000 tỉ đồng.

Cùng với sự sụt giảm của giá cổ phiếu ROS, giá trị tài sản của ông Trịnh Văn Quyết còn lại chưa đầy 15.000 tỉ đồng và không còn nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

mot nam sau ngay len dinh gia co phieu ros dang di ve dau
Giá cổ phiếu ROS lao dốc từ đầu năm 2018 đến nay. Nguồn: VNDirect.

Diễn biến của giá cổ phiếu ROS dường như cũng ít nhiều phản ánh kết quả kinh doanh của FLC Faros. Trong 5 quý kể từ khi cổ phiếu ROS được niêm yết vào quý IV/2016 đến quý IV/2017, FLC Faros luôn công bố doanh thu tăng trưởng so với cùng kì năm trước, ít thì 19% mà nhiều thì 253%.

Quý IV/2017 khi giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh lịch sử 214.100 đồng/cp, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.317 tỉ đồng, tăng 32% so với quý IV/2016, lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần.

Lời giải thích được đưa ra trong các báo cáo giải trình khá ngắn gọn và có nhiều điểm tương đồng với nhau: Công ty mở rộng quy mô, ký được nhiều hợp đồng thi công có giá trị lớn nên doanh thu từ hoạt động xây lắp tăng lên.

Đáng chú ý, đơn vị làm chủ đầu tư những dự án “khủng” mà FLC Faros làm tổng thầu xây dựng lại là CTCP Tập đoàn FLC. Cả FLC và FLC Faros đều có chung một Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Văn Quyết.

Có thể kể tới các dự án điển hình như: Quần thể FLC Quảng Bình, Tổ hợp FLC Đồ Sơn, Dự án FLC Ngọc Vừng, Dự án FLC Coastal Hill Quy Nhơn và Dự án FLC Sea Towers Quy Nhơn …. Đây đều là những dự án với tổng mức đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên trong ba quý đầu năm 2018, FLC Faros đã có tới hai quý (quý I và III) ghi nhận doanh thu sụt giảm so với cùng kì 2017, lợi nhuận sau thuế của hai quý này cũng giảm từ 41 đến 76%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của FLC Faros đạt 93 tỉ đồng, giảm 55,4% so với cùng kì.

FLC Faros giải trình ngắn gọn: Công ty đã thực hiện các dự án nhưng chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định của chuẩn mực kế toán nên tổng doanh thu sụt giảm; doanh thu giảm dẫn tới lợi nhuận giảm.

Đầu tháng 10 vừa qua, FLC Faros công bố nghi quyết HĐQT về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định. Cụ thể, giá trị phần vốn góp chuyển nhượng 100 tỷ đồng, tương đương với 100% vốn điều lệ của công ty.

mot nam sau ngay len dinh gia co phieu ros dang di ve dau
Kết quả kinh doanh hàng quý và giá cổ phiếu của FLC Faros. Kiên Dương tổng hợp

FLC Faros sắp có thêm việc, cổ phiếu ROS có khởi sắc?

Tuy doanh thu và lợi nhuận giảm sút và đang thoái vốn tại một công ty con, FLC Faros dường như đang mở rộng hoạt động của mình sang những dự án và địa phương khác - nơi mà Tập đoàn FLC có kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án xây dựng bất động sản.

Mới đây nhất ngày 12/11, HĐQT FLC Faros thông qua việc tăng vốn điều lệ của một công ty con ở Quảng Ninh là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển FLC Faros Vân Đồn từ mức 100 tỉ đồng hiện tại lên 630 tỉ đồng.

Tại Quảng Ninh, tháng 3 năm nay lãnh đạo Tập đoàn FLC có buổi làm việc với thường trực Tỉnh ủy và cho biết FLC có kế hoạch đầu tư một số dự án như Dự án Khu nhà ở giá rẻ Cao Xanh - Hà Khánh, khu dân cư đô thị Núi Hạm tại TP Hạ Long, dự án Khu du lịch đảo Ngọc Vừng, đảo Vạn Cảnh, Bến tàu cao tốc du lịch Khu vực thị trấn Cái Rồng thuộc huyện Vân Đồn và một số dự án tại TP Móng Cái, thị xã Đông Triều...

Ngày 13/9, FLC Faros ra nghị quyết về việc thông qua chủ trương về việc thành lập công ty con có tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Golden Choice. Công ty con dự kiến có vốn điều lệ 800 tỷ đồng do FLC Faros đóng góp 100%. Trụ sở chính công ty con đặt tại số 2, đường Hùng Vương, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ngành nghề đăng ký là Kinh doanh bất động sản, xây dựng và một số ngành nghề kinh doanh thương mại dịch vụ khác.

Ngoài ra, đầu tháng 9, HĐQT của FLC Faros cũng thông qua chủ trương thành lập hai công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bright Future với vốn điều lệ 380 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eden Garden với vốn điều lệ 290 tỷ đồng. Cả hai công ty con này cùng có trụ sở tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đáng chú ý, Quảng Ngãi và Sóc Trăng đều là những địa phương mà Tập đoàn FLC đã hoặc đang có kế hoạch đầu tư dự án.

Tại Quảng Ngãi, ngày 18/4 năm nay, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc kết luận về Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn.

Theo đó, trong giai đoạn 1 của dự án, tỉnh Quảng Ngãi sẽ giao cho Tập đoàn FLC diện tích 1.243 ha đất thuộc địa bàn các xã: Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu, huyện Bình Sơn và xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn.

Tại Sóc Trăng, nơi Faros tính thành lập công ty con vốn 800 tỷ đồng, Tập đoàn FLC cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư hồi đầu năm nay.

Cụ thể, ngày 13/4, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp đoàn lãnh đạo Tập đoàn FLC do bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT làm trưởng đoàn (Bà Dung hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC).

Tại buổi làm việc, FLC cho biết tập đoàn này có định hướng đến việc phát triển Tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ, giải trí ở khu vực Hồ Nước Ngọt (TP Sóc Trăng) và phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái tại một số phân trường của tỉnh.

Sau đó 10 ngày, Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về buổi làm việc trên, cụ thể:

Về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, UBND tỉnh đồng ý về chủ trương để FLC nghiên cứu, lập quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao tại các vị trí: phân trường Phú Lợi tại huyện Châu Thành (quy mô khoảng 786 ha) và phân trường Thạnh Trị tại thị xã Ngã Năm (quy mô khoảng 662 ha).

Về lĩnh vực đầu tư Khu đô thị, UBND tỉnh đồng ý về chủ trương để FLC nghiên cứu, lập quy hoạch Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí quy mô khoảng 50 ha, tại các khu đất: Trung tâm văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Huấn luyện thi đấu thế dục thể thao tại Phường 6, TP Sóc Trăng.

Như vậy, tổng diện tích của 3 dự án mà Tập đoàn FLC được đồng ý về chủ trương để nghiên lứu, lập quy hoạch là khoảng 1.500 ha. Theo thông tin tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng diễn ra tháng 6 vừa qua, tổng mức đầu tư của ba dự án này là khoảng 4.500 tỷ đồng.

Xem thêm

Kiên Dương