Bí ẩn doanh nhân 9X làm lãnh đạo 5 doanh nghiệp vốn trăm tỉ
Ông Trịnh Văn Nam, sinh tháng 8/1991 hiện là lãnh đạo của 5 doanh nghiệp gồm CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu Damexco, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP, Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát và CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn.
Trong số này có ba công ty được thành lập trong năm 2018, một công ty vào tháng 11/2017 và một công ty vào năm 2010. Cụ thể:
Tên công ty |
Ngày thành lập |
Vốn góp của ông Nam/Tổng vốn điều lệ |
Ngành kinh doanh chính |
Địa chỉ |
CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ |
21/6/2018 |
33 tỉ đồng/100 tỉ đồng (33%) |
Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê |
Thôn 2, xã Vĩnh Trung, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh |
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu Damexco |
10/3/2010 |
500 triệu đồng/4,5 tỉ đồng (11,1%) |
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải Chi tiết: Hoạt động của đại lý bán vé máy bay |
Số 402, đường Mê Linh, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP |
1/11/2017 |
80 tỉ đồng/100 tỉ đồng (80%) |
Sản xuất sản phẩm từ plastic |
Khu Trũng, Quốc lộ 13, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, |
Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát |
16/4/2018 |
1,75 tỉ đồng/5 tỉ đồng (35%) |
Đại lí du lịch |
Tổ dân phố 5, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình |
CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn |
8/6/2018 |
400 tỉ đồng/800 tỉ đồng (50%) |
Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê |
Thôn Lệ Thủy, Xã Bình Trị, Huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi |
CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ: Công ty được thành lập tháng 6 năm nay. Trong 100 tỉ đồng vốn điều lệ, ông Trịnh Văn Nam góp 33%, Tập đoàn FLC góp 7% và một cá nhân có tên Nguyễn Minh Quang góp 60%. Tuy không phải là cổ đông cá nhân lớn nhất nhưng ông Nam vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu Damexco: Trước ngày 19/12/2017, Damexco có vốn điều lệ 4,5 tỉ đồng do hai cá nhân đóng góp là Trịnh Thị Út Xuân (500 triệu đồng) và Đỗ Thị Huyền Trang (4 tỉ đồng). Bà Trịnh Thị Út Xuân, sinh năm 1987, đồng thời là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Damexco.
Tuy nhiên theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi được cấp ngày 19/12/2017, ông Trịnh Văn Nam đã nhận chuyển nhượng số vốn 500 triệu đồng của bà Xuân trước đây và thay bà Xuân làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Damexco.
Theo thông tin mà Damexco đăng kí thay đổi ngày 22/10, công ty có 10 lao động.
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP được thành lập ngày 1/11/2017 với tên gọi Công ty TNHH Máy nông nghiệp và Bao bì tự phân hủy SIP, vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng do hai cá nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Dung và Nguyễn Thị Hiên đóng góp với tỉ lệ lần lượt 80% và 20%.
Chỉ 12 ngày sau khi thành lập tức vào ngày 13/11/2017, SIP tăng vốn điều lệ gấp 10 lần lên 100 tỉ đồng, tỉ lệ góp vốn của bà Dung và bà Hiên vẫn giữ nguyên là 80% và 20%. Bà Dung là Chủ tịch hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật của SIP.
Theo giấy đăng kí kinh doanh thay đổi cấp ngày 9/10 năm nay, bà Hiên vẫn góp 20 tỉ đồng vốn điều lệ của SIP tuy nhiên ông Trịnh Văn Nam đã thay thế bà Dung sở hữu 80 tỉ đồng vốn góp còn lại. Ông Nam đồng thời thay bà Dung đảm nhiệm vai trò Chủ tịch hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật của SIP.
Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát: Công ty được thành lập ngày 16/4 năm nay, ông Trịnh Văn Nam là người góp vốn nhiều nhất với tỉ lệ 35%, tương đương giá trị 1,75 tỉ đồng. Các thành viên góp vốn khác gồm các cá nhân Đoàn Trọng Báu (20%), Phạm Minh Hoàn (30%) và Nguyễn Văn Tiến (15%).
CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn: Công ty được thành lập ngày 8/6 năm nay với vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng do ba cổ đông sáng lập là cá nhân đóng góp gồm: bà Vũ Thị Bích Hồng góp 30 tỉ đồng tương đương 30%, ông Trịnh Văn Nam góp 50 tỉ đồng (50%, và ông Nguyễn Thanh Tùng góp 20 tỉ đồng (20%). Ông Trịnh Văn Nam là Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 27/7 công ty Bình Sơn được cấp giấy đăng kí kinh doanh thay đổi, theo đó vốn điều lệ của công ty tăng “sốc” lên 800 tỉ đồng, tức gấp 8 lần mức cũ. Tỉ lệ vốn góp của ba cổ đông sáng lập không thay đổi, tức là ông Nam vẫn góp 50% vốn điều lệ, tương đương 400 tỉ đồng.
Tính chung cả 5 công ty, tổng vốn góp của ông Trịnh Văn Nam là 515,25 tỉ đồng.
Quan hệ với CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Xây dựng FLC Faros
Trước tiên có thể thấy, trụ sở của 5 công ty kể trên đều được đặt tại các địa phương mà FLC và FLC Faros đang đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư các dự án quy mô. Chẳng hạn tại Quảng Bình, FLC đã xây dựng quần thể FLC Quảng Bình. Tại Quảng Ninh, FLC có quần thể FLC Hạ Long. Tại Vĩnh Phúc, FLC có khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc.
Tại Quảng Ngãi, ngày 18/4 vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc kết luận về Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn.
Theo đó, trong giai đoạn 1 của dự án, tỉnh Quảng Ngãi sẽ giao cho Tập đoàn FLC diện tích 1.243 ha đất thuộc địa bàn các xã: Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu, huyện Bình Sơn và xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Tập đoàn FLC và đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đó có cả việc bổ sung điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng Đồn Biên Phòng Bình Hải, huyện Bình Sơn về phía Tây tuyến đường Bắc Nam Vạn Tường; Nghiên cứu bổ sung khu vực Gành Yến vào ranh giới lập quy hoạch của dự án gắn với bảo tồn và phát huy hiện trạng tự nhiên của khu vực; Bố trí khu vực tái định cư phù hợp với cư dân ngư nghiệp và đất ở dân cư ven biển, các tuyến đường ra biển, đường ven biển phục vụ nhu cầu cộng đồng dân cư…
Trong quý III, FLC Faros đã thành lập hai công ty con với vốn điều lệ 670 tỉ đồng tại Quảng Ngãi.
Trà Cổ và FLC
Mới đây bà Nguyễn Thị Duyên, người đang là Kế toán trưởng CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ được Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Artex đề cử bầu vào ban kiểm soát của Artex.
Cùng đợt này, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, ông Lê Bá Nguyên – thành viên HĐQT Tập đoàn FLC, và bà Trịnh Thị Thúy Nga – em gái chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng được đề cử bầu vào Hội đồng quản trị của Artex. Nếu các cá nhân này trúng cử, mối quan hệ giữa Trà Cổ và FLC sẽ không chỉ là quan hệ góp vốn cổ phần mà còn là quan hệ gián tiếp thông qua trung gian là Chứng khoán Artex.
Damexco, SIP và FLC Faros
CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) tuy không phải công ty mẹ - con của Tập đoàn FLC nhưng cũng có quan hệ khá thân thiết. Cụ thể, FLC Faros và FLC có cùng Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết. FLC Faros cũng là đơn vị thi công nhiều dự án lớn do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư như: dự án FLC Coastal Hill Quy Nhơn và Dự án FLC Sea Towers Quy Nhơn, Quần thể FLC Quảng Bình, Tổ hợp FLC Đồ Sơn, Dự án FLC Ngọc Vừng, ....
Giữa FLC Faros và Damexco và SIP lại có quan hệ làm ăn với quy mô không nhỏ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của FLC Faros, trong khoản mục Phải thu ngắn hạn của khách hàng tại thời điểm 30/9 năm nay, FLC Faros đang còn phải thu của Damexco số tiền gần 87 tỉ đồng.
Ở khoản múc Trả trước cho người bán ngắn hạn, FLC Faros đã trả trước cho Damexco 53,3 tỉ đồng và cho Công ty TNHH Máy nông nghiệp và Bao bì tự phân hủy SIP 47,7 tỉ đồng (vốn điều lệ của SIP hiện là 100 tỉ đồng).
Ở khoản mục Phải thu về cho vay ngắn hạn tại ngày 30/9, FLC Faros đang cho Damexco vay gần 510 tỉ đồng. Ở khoản mục Phải thu ngắn hạn khác, FLC Faros đang còn phải thu từ Damexco hơn 8 tỉ đồng.
Như vậy, tuy vốn điều lệ của Damexco chỉ 4,5 tỉ đồng nhưn tổng số dư các khoản mục của FLC Faros và Damexco lên tới hơn 650 tỉ đồng.