Một cuộc họp trực tuyến toàn quốc, chi phí cũng cả tỷ đồng
Cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng chủ trì.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước khi Tổ công tác làm việc với VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời khen ngợi, biểu dương tập đoàn về việc tái cơ cấu, bán phần vốn ngoài ngành đã triển khai thời gian qua. Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này của tập đoàn là sự đoàn kết nội bộ, dù tái cơ cấu, sắp xếp mạnh trong tổ chức nhưng không có đơn thư khiếu nại, tố cáo lẫn nhau. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là việc không phải cơ quan, đơn vị lớn nào cũng làm được.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại VNPT.
Tổ trưởng tổ công tác cũng chuyển tới Tập đoàn Bưu chính Viễn thông một số nội dung Thủ tướng đã trao đổi, quán triệt chỉ đạo.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu VNPT phải tiếp tục tích cực, chủ động thực hiện tái cơ cấu tập đoàn. Trong những danh mục đơn vị đang thực hiện thoái vốn, lãnh đạo Chính phủ nêu yêu cầu về tiến độ, sao để VNPT phải là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực CNTT và vẫn đảm bảo giữ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đây cũng là một trong số 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành của tập đoàn so với nhiệm vụ được giao.
Báo cáo về nội dung này, Tổng Giám đốc tập đoàn Phạm Đức Long cho biết, theo Quyết định của Chính phủ, VNPT phải thoái vốn ở 63 danh mục nhưng hiện mới thực hiện được 18 danh mục, thu về 1.041 tỷ đồng. Có 11 danh mục tập đoàn đã tiến hành thoái vốn nhưng không thành công, 6 danh mục đã tổ chức đấu giá 1 lần nhưng cũng chưa thành, có 4 danh mục mới đang hoàn thành việc định giá…
“Vặn” lại lý do chậm thoái vốn mà phía tập đoàn đưa ra là nhiều vấn đề cần xin ý kiến Bộ Tài chính nhưng công văn gửi đi mãi không nhận được trả lời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn (thành viên tổ công tác của Thủ tướng) chỉ rõ, lãnh đạo Bộ này cũng như UB Chứng khoán quốc gia đều đã trực tiếp ký văn bản phúc đáp, chưa kể đến lần trả lời của UB Chứng khoán Hà Nội.
Việc chậm thoái vốn của đơn vị, theo ông Tuấn, chỗ quan trọng phải là ở nhóm đầu tư ngân hàng, công ty tài chính.
Ông Tuấn dẫn chứng một công ty nhỏ của tập đoàn, giá trị trên thị trường chỉ 3.000 tỷ đồng nhưng thực tế, vốn công ty mẹ đầu tư vào đó đã rất lớn, tới 11.000 tỷ đồng. Đây là tiền của nhà nước, bán phải có giải pháp phù hợp, không thể nóng vội được vì sẽ mất vốn.
“Vấn đề bây giờ là trách nhiệm đưa khoản tiền này đi đầu tư thế nào. Có dự án thực tế là lỗ rồi, tức là vốn chủ đầu tư cũng mất rồi. Giờ cần có lộ trình giải quyết sao để giảm thiệt hại tối đa cho những khoản đầu tư này” – Thứ trưởng Tài chính nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị tập đoàn tổ chức khai thác hiệu quả hơn 2 vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 vì nhà nước sẽ ngừng đầu tư thêm cho để dành nguồn lực phát triển viễn thông công ích.
Một thành viên khác của Tổ công tác - Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị đánh giá thực tế hơn những tiến bộ, kết quả đạt được của VNPT thời gian qua.
“Tập đoàn có lợi thế lớn trên cả nước, ở địa phương nào cũng đã có hạ tầng, có địa điểm đẹp từ những bưu điện, bưu cục đã xây dựng bao lâu nay, nằm ở trung tâm các đô thị. Cả 2 vệ tinh lớn nhất nước cũng nằm trong tay tập đoàn. Vậy mà từ vị thế độc quyền, đứng đầu giờ lại chỉ đặt mục tiêu phấn đấu ở top đầu trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông thôi thì có ổn không?
Những doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn hơn VNPT nhiều mà giờ họ phủ sóng rộng khắp, đến cả vùng sâu vùng xa, đi đâu sóng cũng nét căng trong khi Vinaphone, ngay tại Hà Nội, chỉ cần lên đến đường trên cao là mất sóng” - ông Thừa phàn nàn.
Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với tập đoàn Bưu chính viễn thông sáng 15/3.
Về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển hệ thống công nghệ thông tin cho hệ thống cơ quan nhà nước của một doanh nghiệp viễn thông nhà nước, Thứ trưởng Nội vụ cũng đánh giá, VNPT chưa tạo được giá trị đột phá. Chỉ tính riêng mô hình tổ chức họp trực tuyến toàn quốc nhằm tiết kiệm, theo ông Thừa, chi phí đưa ra cũng… giật mình.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Thừa, mỗi cuộc họp trực tuyến toàn quốc như vậy chi phí cũng tới cả tỷ đồng, trong đó đầu cầu ở trung ương mất khoảng 600-700 triệu đồng, mỗi điểm cầu ở địa phương thêm vài chục triệu nữa.
“Như thế thì thà cứ họp trực tiếp, mỗi nơi 1-2 lãnh đạo bay về dự họp, nghỉ khách sạn 1 đêm rồi về thì một địa phương cũng chỉ mất mấy chục triệu là cùng” – ông Thừa nêu quan điểm.