|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Một cuộc chiến thương mại khác đang nhen nhóm sau khi Indonesia đe doạ EU

08:00 | 11/08/2019
Chia sẻ
Trong khi thế giới tập trung vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, một cuộc tranh chấp khác đã diễn ra giữa người khổng lồ hàng hóa Indonesia và Liên minh châu Âu (EU).

Indonesia, nhà sản xuất hàng đầu của loại dầu thực vật được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, đang tìm cách tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa của EU lên 8 -18%, theo Enggartiasto Lukita, Bộ trưởng Thương mại của quốc gia Đông Nam Á. 

Động thái này nhằm trả đũa cho kế hoạch của khối kinh tế trong việc áp thuế chống trợ cấp với cùng mức đối với dầu diesel sinh học làm từ cọ Indonesia, ông nói.

"EU có thể áp một biện pháp gì đó lên chúng ta miễn là tham số đó là công bằng, nhưng nếu tham số đó không công bằng, thì đó là một hành động của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại", ông Drake Lukita nói với các phóng viên ở Jakarta hôm 9/8. 

Ông cho biết Indonesia sẽ không thể im lặng khi điều đó không công bằng.

Tranh chấp về dầu cọ giữa hai đối tác thương mại leo thang hồi đầu năm nay, khi Ủy ban châu Âu quyết định áp giới hạn chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng dầu cọ trong nhiên liệu sinh học từ tháng 6 vì lo ngại về nạn phá rừng. 

Indonesia, cũng như nhà sản xuất cọ lớn thứ hai thế giới - Malaysia, đã cảnh báo các rủi ro của động thái trên sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại toàn diện, nói rằng EU đang phân biệt đối xử bất công với dầu cọ và gây nguy hiểm cho các quốc gia chống lại nghèo đói.

Indonesia, đang áp thuế nhập khẩu 5 - 10% đối với sản phẩm sữa EU, cho biết sẵn sàng đi xa hơn nữa so với mức thuế của U bằng cách tăng thuế lên 20 - 25%.

Indonesia sẽ chuyển sang các nhà cung cấp sữa khác, chẳng hạn như Australia, New Zealand, Mỹ hoặc Ấn Độ, ông Lukita nói. 

Indonesia là người mua sữa bột gầy lớn thứ ba từ EU sau Algeria và Trung Quốc, theo dữ liệu của Ủy ban Châu Âu. 

EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Indonesia, trong khi Indonesia xếp thứ 31 đối với EU.

Lyly Cao