Một Big4 giảm tới 3 - 4 điểm % lãi suất cho vay khách hàng hiện hữu
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có thông báo sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID. Chương trình này được áp dụng từ ngày 1/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay đang áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay,… giảm tối đa về mức sàn lãi suất cho vay hiện hành và không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày 1/11/2023.
Trong hai tháng cuối năm 2023, Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng.
Trong đó, sẽ có những khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3 đến 4 điểm %. Ước tính, trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng cho biết đây là lần thứ 7 liên tiếp điểu chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng.
Agribank cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và các chương trình tín dụng lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi như: Triển khai Thông tư 02, Nghị định số 31, Nghị quyết 33, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ngoài Agribank, các thành viên khác trong nhóm Big4 cũng tích cực hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mức lãi suất trung bình của các khoản vay mới đã giảm từ 2 đến 2,2 điểm % so với đầu năm. Trong khi đó, mục tiêu của NHNN chỉ là giảm lãi suất từ 1 đến 1,5 điểm %.
Đến nay, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay trung bình đối với các khoản cho vay cũ và mới ở mức 5,94%, giảm 1,75 điểm % so với cuối năm 2022 và giảm 0,29 điểm % so với cùng kỳ. Tại BIDV, mức lãi suất cho vay trung bình hiện nay là 6,46%, giảm 2,59 điểm % so với cuối năm ngoái và giảm 0,15 điểm % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình trạng "thừa tiền" của ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc. Tính đến ngày 27/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,1%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận nhiều ngân hàng trong quý III đã bị ảnh hưởng khi không thể cho vay đủ nhanh để bù đắp chi phí huy động đắt đỏ.