|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Moody’s: TPP thất bại sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn

14:59 | 03/02/2017
Chia sẻ
Hãng đánh giá tín dụng cho rằng các khoản đầu tư được thực hiện từ trước, nhờ kỳ vọng vào TPP, sẽ tạo lực đẩy cho Việt Nam hay Malaysia trong vài năm nữa.
moodys tpp that bai se khong gay ra anh huong lon

Trong báo cáo mới ra mắt với tên “Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương: Cơ hội biến mất khi Mỹ rút khỏi TPP”, Moody’s Investors Service đánh giá Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại sẽ là mất mát với các nước xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc này lên chất lượng tín nhiệm của hai nước có thể không lớn như dự báo. Đó là do các khoản đầu tư được thực hiện từ trước để đón đầu TPP không thể bị rút lại. Điều này sẽ tạo lực đẩy tăng trưởng cho vài năm tới.

Moody’s trích đăng nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cho biết Việt Nam và Malaysia là các nước hưởng lợi lớn nhất về tăng trưởng trong 12 thành viên TPP, nhờ được tiếp cận thị trường Mỹ, và nhận FDI dài hạn tương đối lớn. Với TPP, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn 8,1% năm 2030 so với năm 2015. Mức tăng này của Malaysia là 7,6%.

“Xét tổng thể, dựa trên nghiên cứu của PIIE, tăng trưởng dài hạn của Việt Nam và Malaysia có thể mất 0,75% nếu thiếu TPP”, Moody’s cho biết, “Thêm vào đó, với những nước tăng trưởng vốn đã nhanh rồi, như là Việt Nam, tốc độ sẽ chỉ giảm dần dần thôi”.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP - hiệp định bao phủ 40% GDP toàn cầu. Sự vắng mặt của Mỹ sẽ khiến TPP khó tồn tại dưới hình thức hiện nay. Việc này sẽ lấy đi cơ hội của các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia lẽ ra có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước lớn.

Dù vậy, các nước thành viên cũng đang tìm kiếm phương án thay thế, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Moody’s cho rằng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc có thể tạo động lực lớn cho thương mại trong khu vực.

Tuy nhiên, hãng cũng đánh giá các hiệp định thương mại mới có thể chồng lấn với hiệp định cũ, làm giảm lợi ích tăng thêm, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản hay Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand.

Thu Thảo