Mới ký thỏa thuận hợp tác với FLC, PVI Holdings làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Thị giá giảm sâu, Bảo Hiểm PVI bán 2 triệu cổ phiếu quỹ |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của CTCP PVI (PVI Holdings - Mã: PVI), doanh thu của công ty đạt 4.422 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ 2017.
Các khoản giảm trừ doanh thu và giá vốn hàng bán tăng tốc độ tương ứng lên lần lượt là 2.066 và 2.042 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp còn 314 tỷ đồng không thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Tỷ suất biên lãi gộp/doanh thu thuần là 13,32%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 382 tỷ đồng, tăng 20%. Tuy nhiên chi phí tài chính tăng vọt lên 159 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ dẫn tới lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm là 244 tỷ đồng, giảm 8%.
Đáng chú ý, chi phí tài chính 6 tháng của PVI chủ yếu đến từ quý II với giá trị hơn 137 tỷ đồng (chiếm 86%). Con số này cao gấp 6 lần quý II/2017.
Theo giải trình biến động lợi nhuận quý II của PVI, chi phí tài chính tăng và lợi nhuận tài chính giảm là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận ròng giảm 53% so với quý II/2017 còn gần 73 tỷ đồng. Tuy nhiên bản giải trình không nêu rõ tại sao chi phí tài chính lại tăng đột biến như vậy.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II, trong mục chi phí tài chính thì chi phí cho hoạt động kinh doanh cổ phiếu là gần 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 604 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 19,5 tỷ đồng trong quý II – giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm hơn 20% từ đỉnh. Cùng kỳ năm ngoái, PVI ghi nhận hoàn nhập dự phòng 5,5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PVI 6 tháng đầu năm. Nguồn: báo cáo tài chính PVI. |
Đến ngày 30/6, PVI có 5 công ty con gồm 1 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 1 công ty tái bảo hiểm, 1 công ty quản lý quỹ đầu tư và 2 quỹ đầu tư.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên PVI. |
PVI là một trong 5 công ty bảo hiểm có thị phần lớn nhất hiện nay gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm dầu khí PVI, Bảo hiểm Bưu điện PTI, Bảo hiểm Bảo Minh BMI, Bảo hiểm PJICO. Theo số liệu Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tổng thị phần của 5 doanh nghiệp này trong năm 2017 là hơn 57%, giảm từ khoảng 70% năm 2012.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Bảo Việt đạt 14.568 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ giúp Tập đoàn này tiếp tục vững ngôi đầu thị phần. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI là 3.623 tỷ đồng, chỉ tăng 2%.
Ngày 25/7 vừa qua, tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và PVI đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, FLC và PVI sẽ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, khai thác cơ sở dữ liệu và mạng lưới kinh doanh để phân phối và mở rộng mạng lưới cung cấp sản phẩm và dịch vụ do các bên cung cấp.
Đặc biệt, hai bên sẽ chú trọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực: Bảo hiểm công trình máy móc tài sản và trách nhiệm; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cho người lao động; bảo hiểm hàng không; quản lý tài sản và đầu tư tài chính; hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, đồng tài trợ, tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Hình ảnh tại buổi ký kết. Ảnh: FLC. |
Được biết, FLC đã đặt mua 44 máy bay của Airbus và Boeing trị giá 8,7 tỷ USD để chuẩn bị cho hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways – công ty con thuộc FLC. Bamboo Airways hiện đã được cấp phép chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa nhận được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của Bộ Giao thông vận tải.
Về phía PVI, năm 2017 công ty cũng hợp tác với Vietnam Airlines cung cấp sản phẩm bảo hiểm du lịch Tripcare, bán báo hiểm qua các website của Mobiphone, Vinaphone, Viettel Post, …