|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mối họa 'hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu qua Sri Lanka' lần nữa bao trùm thị trường Ấn Độ

08:00 | 29/09/2018
Chia sẻ
Quyết định của Sri Lanka về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho bất kỳ loại hồ tiêu nào được xuất khẩu từ quốc đảo này có thể gây thêm rủi ro cho người trồng tiêu Ấn Độ, đặc biệt là ở Kerala và Karnataka, những vùng trồng lớn nhất tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vốn đang chịu ảnh hưởng từ những cơn lũ gần đây.

Người trồng tiêu Ấn Độ cho rằng, quyết định cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay cả đối với các thùng chứa hồ tiêu đi qua Cảng Colombo sẽ chỉ ra đầu vào là tiêu Việt Nam, với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Khiến cho vấn đề tồi tệ hơn, hồ tiêu Việt Nam được đưa vào Ấn Độ chỉ phải trả 8% thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA), theo đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá tiêu trên thị trường nội địa Ấn Độ.

Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, cao hơn nhiều, ở mức 52%.

Trong khi động thái của Sri Lanka dấy lên mối lo ngại, các hiệp hội đại diện cho người trồng tiêu Ấn Độ và một đại diện khác cho nhà xuất khẩu đã đưa ra các đề xuất khác nhau về cách giải quyết vấn đề.

Ông Kishore Shamji của Hiệp hội Thương lái, Nông dân, Nhà sản xuất và Người trồng hồ tiêu Ấn Độ (IPSTPC), muốn hàng nhập khẩu từ Sri Lanka bị áp thuế quan 52% đối với các quốc gia ASEAN hoặc 70% nói chung để bảo vệ người trồng tiêu Ấn Độ.

Ông hiểu rõ ngay cả hồ tiêu đen của Brazil giờ đây có thể tìm thấy đường đến Ấn Độ thông qua Sri Lanka, nhằm trốn thuế nhập khẩu 70%. Ông Shamji cho biết, hồ tiêu Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường Ấn Độ thông qua các cảng Tuticorin, Chennai và Krishnapatnam,

Ấn Độ đã thiết lập giá nhập khẩu tối thiểu ở mức 500 rupee/kg đối với tiêu đen (tương đương 7.200 USD/tấn). Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách tại Sri Lanka dự kiến sẽ giúp giao dịch xuất nhập khẩu tại đó với giá hơn 4.400 USD/tấn, theo ông Shamji. Ông chỉ ra việc thu mua hồ tiêu đó đang được thực hiện ở mức 200 rupee/kg, tương đương 2.800 USD/tấn.

moi hoa ho tieu viet nam nhap khau qua sri lanka lan nua bao trum thi truong an do
Mối họa "hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu qua Sri Lanka" vẫn bao trùm thị trường Ấn Độ

Kịch bản mới này sẽ làm tình hình thị trường trong nước trở nên tồi tệ hơn, khi người nông dân đang phải đối mặt với sản lượng giảm, lượng dự trữ sụt giảm và cây tiêu bị tàn phá, trong số các vấn đề khác. Giá tiêu trong nước đang dao động ở mức 380 rupee đối với tiêu đen, và 400 rupee đối với tiêu trắng. Ở mức 2.800 USD/tấn, hồ tiêu nhập khẩu chỉ mất 200 rupee/kg.

Theo Ủy ban quản lý hồ tiêu, sản lượng tiêu, dự kiến đạt 70.000 tấn vào năm 2018, sẽ giảm xuống còn khoảng 45.000 tấn vào năm 2019 vì sự tàn phá do lũ lụt ở Kerala và Karnataka gây ra. Con số này thấp hơn cả mức ghi nhận trong năm 2017, khi sản lượng đạt 57.000 tấn.

Quan điểm của các nhà xuất khẩu

Ông Prakash Namboodiri, Chủ tịch Diễn đàn các nhà xuất khẩu gia vị Ấn Độ, cho rằng, đó là đặc quyền của Sri Lanka trong việc thay đổi chính sách xuất nhập khẩu và quốc gia này có thể đã làm như vậy vì một điều rõ ràng.

“Nếu điều đó xảy ra (hồ tiêu từ các quốc gia khác ngoài Sri Lanka đến Ấn Độ), chúng tôi cảm thấy rằng các sản phẩm này không nên được dán nhãn nguồn gốc từ Sri Lankan. Hồ tiêu xuất xứ từ Sri Lankan được biết đến với quả mọng nhẹ và hàm lượng dầu dễ bay hơi cao, phù hợp nhất với ngành công nghiệp dầu với mục đích chiết xuất. Phần lớn những đơn vị này nằm ở phía Nam Ấn Độ”, ông cho biết.

Chính phủ Ấn Độ có thể kiểm soát tình trạng này tốt hơn bằng cách bắt buộc tất cả các nhà nhập khẩu gia vị phải đăng ký với Hội đồng Gia vị, ông Namboodiri nói. Theo ông Namboodiri, điều này sẽ cho phép theo dõi sự dịch chuyển của hồ tiêu và cũng hạn chế dòng chảy của tiêu nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Còn theo ông Nishant Gurjer, Chủ tịch Hiệp hội gia vị miền Nam Ấn Độ của những người trồng tiêu, giá hồ tiêu sẽ chịu áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Ông cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc chỉ cho phép nhập khẩu hồ tiêu an toàn cho tiêu thụ.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ đảm bảo sự xâm nhập của hồ tiêu Sri Lanka chính hãng, loại phù hợp để nhập khẩu. hồ tiêu nhập vào thị trường phải được phân thành các loại dư lượng khác nhau và chỉ được phép nhập nếu chúng nằm trong giới hạn cho phép. Tất cả điều này phải được thực hiện một cách thích hợp và theo quy định", ông nói thêm.

Ông Gurjer nhận định, sự thay đổi chính sách của Sri Lanka trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào về động lực kinh doanh vì hồ tiêu Sri Lanka đã có mặt tại thị trường Ấn Độ nhờ hàm lượng oleoresin (nhựa dầu) của nó, một điều kiện tiên quyết cho ngành công nghiệp nghiền. Mặc dù vậy, ông lo ngại, với giấy chứng nhận xuất xứ, nhập khẩu hồ tiêu sẽ trở nên không kiểm soát được. Ông lưu ý, nuồn cung vốn đã dư thừa trên thị trường, và ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng sản xuất hồ tiêu đen.


Lyly Cao