|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Môi giới bất động sản và chữ 'TÂM' (KỲ III): Môi giới - Họ là ai?

07:49 | 03/05/2019
Chia sẻ
Có những thời điểm câu chuyện mua bán đất len lỏi vào tận “hang cùng, ngõ hẻm”, nhà nhà nói chuyện đất, người người chuyển sang nghề môi giới nhà đất.

Môi giới bất động sản và chữ TÂM (KỲ III): Môi giới - Họ là ai? - Ảnh 1.

Tại nhiều lễ mở bán môi giới gây nhiễu thông tin tạo khan ảo để bán hàng

Tại hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết: Tính từ năm 2008 đến thời điểm này có khoảng 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới.

Lực lượng hùng hậu

“Có thể nói, lực lượng môi giới đông đảo với chất lượng chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 – 2018, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh”, ông Hưng nói.

Cũng theo vị này thì các nhà môi giới bất động sản không chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần giữa người bán và người mua BĐS mà còn có vai trò quan trọng trong phát hiện những thiếu hụt của thị trường, từ đó khuyến nghị với chủ đầu tư về các chủng loại hàng hóa mà thị trường cần.

Cụ thể hơn, dưới góc nhìn của mình, ông Trần Minh Hoàng- Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Vai trò môi giới bất động sản là thu thập và cung cấp thông tin về BĐS; Tư vấn cho các bên: Mua, bán, đầu tư, xây dựng, tài chính …; Kết nối cung và cầu; Giúp các dự án phát triển BĐS tiêu thụ hàng hóa trên thị trường; Tạo lập các kênh thông tin về BĐS công khai, minh bạch; Hỗ trợ quản lý Nhà nước hiểu rõ và xây dựng chính sách phù hợp với mọi tình hình của thị trường.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 300 ngàn người làm môi giới bất động sản. Trong đó: Hà Nội là 70 ngàn người, TP.HCM -  90 ngàn, còn lại là địa phương khác. “Trong đó, 70% hoạt động thường xuyên, 20% hoạt động kết với nghề khác, 27 ngàn người đã có Chứng chỉ hành Nghề theo luật cũ, 8 ngàn người đã có Chứng chỉ hành Nghề theo luật mới và số còn lại (khoảng 265.000) chưa có Chứng chỉ hành Nghề.

Nhận diện môi giới

Như vậy, môi giới ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản. Nhưng họ là ai?

Trả lời cho câu hỏi này, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho biết, nhiều người vẫn đánh đồng những người làm nghề môi giới là “cò”, mặc dù khái niệm nhân viên môi giới bất động sản và “cò” rất khác nhau. Cụ thể, môi giới bất động sản được quản lý bởi công ty, có quy chế rõ ràng, được đào tạo về nghề, có chứng chỉ… còn “cò đất” chỉ là những người hoạt động tự do.

Theo vị giám đốc trên thì hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn bất động sản sốt nóng, ai cũng có thể làm môi giới bất động sản, làm “cò”. “Có những thời điểm tại Đà Nẵng đi đâu cũng nghe chuyện nhà đất, nghe chuyện người này kiếm tiền tỷ, tiền triệu... từ đất. Từ chị bán cà phê, anh chạy xe ôm, công chức nhà nước, giám đốc… đều có thể làm cò, làm môi giới” - anh nói.

Môi giới bất động sản và chữ TÂM (KỲ III): Môi giới - Họ là ai? - Ảnh 2.

Môi giới tung tin sai sự thật để bán đất tại khu vực Quảng Nam – thường được gọi là Nam Đà Nẵng

Cũng theo vị Giám đốc trên, tùy từng vai trò, mối quan hệ, chức vụ… mà môi giới những lô đất diện tích lớn hay nhỏ, tiền nhiều hay ít. Anh xe ôm, chị bán cà phê có thể môi giới những lô đất có giá vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, anh công chức, giám đốc thì làm những thương vụ giá trị cao hơn.

“Trong group của tôi có những người làm giám đốc, sau một thời gian giao công ty cho những người thân trong gia đình quản lý và chuyển hẳn sang làm môi giới nhà đất. Có những vụ, người này kiếm vài tỷ là bình thường” - anh cho biết.

Đó là với những người đã có quan hệ hoặc những người là môi giới theo kiểu thời vụ, còn những nhân viên làm việc tại các sàn giao dịch thì như thế nào?

Giám đốc một công ty bất động sản – trước đây cũng đi lên từ môi giới cho biết: Nhìn bên ngoài môi giới bất động sản rất hòa nhoáng, bóng bẩy, nhưng những ai theo nghề mới hiểu được nổi “khổ” của môi giới.

Do ăn theo hoa hồng sản phẩm bán được nên lương cứng của các nhân viên môi giới thường rất thấp – chỉ khoảng 4 triệu trở lại trong khi phải chi đủ thứ như chạy quảng cáo, đăng tin, SEO facebook, in tờ rơi, tiếp thị qua điện thoại, xăng xe… Có những tháng, những khoản chi phí này tốn tới cả chục triệu đồng nên nhiều khi buộc phải cùng chiêu trò để bán được hàng.

“Đặt tên dự án thật “hot”; gây sự tò mò về vị trí, giá cả: đất Quảng Nam thì gọi là Nam Đà Nẵng, giá 2 tỷ/shophouse (trong khi 2 tỷ là 30% giá trị); gây nhiễu thông tin tại các buổi mở bán để tạo khan hiếm ảo...” – vị này tiết lộ.

Kỳ IV: Khóc cười với nghề môi giới


THU GIANG

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.