'Mọi bài học về phòng ngừa thất bại chẳng có giá trị với người khởi nghiệp'
'Những người sợ thất bại sẽ chẳng bao giờ thành công' |
Sau khi lấy bằng kỹ sư công nghệ, Phạm Thanh Tú đầu quân cho một số doanh nghiệp. Tới năm 2012, khi đã quen nhiều người cùng nghề, anh và một người bạn nảy ra ý tưởng thành lập một nhóm để khai thác tiềm năng của thị trường outsource (thuê ngoài) trong mảng công nghệ thông tin. Nhóm chỉ nhận những dự án nhỏ vì số lượng mối quan hệ chưa đủ lớn để có thể lập công ty.
Đến năm 2015, nhóm chính thức thành lập AgileTech và Tú đảm nhận chức trưởng phòng công nghệ. Công ty phát triển sản phẩm, nhận những dự án công nghệ của doanh nghiệp khác để tăng thu nhập, vừa gây dựng tên tuổi với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (block chain), react native. Họ từng gia công phần mềm cho Viettel, MCBooks, Clingme, Rudicaf, Jupviec.vn và Sen Hồng.
"AgileTech là ghép của 2 từ Agile và Technology. Agile process là quy trình làm sản phẩm mới hiện nay cho phép điều chỉnh linh hoạt các chức năng của sản phẩm trong quá trình xây dựng, tiết kiệm thời gian và tăng chất lượng dự án. Technology là yếu tố AgileTech đặt lên hàng đầu, luôn học hỏi công nghệ mới áp dụng cho sản phẩm cũng như nâng tầm của các anh em", Tú giải thích về tên của công ty.
Kỹ sư Phạm Thanh Tú, người đứng đầu bộ phận công nghệ của công ty AgileTech. Ảnh: Nhạc Dương |
Không chỉ cung cấp chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp mới như Clingme, Di Chung. AgileTech cũng hỗ trợ nhiều công ty nước ngoài như Hottab và Helpster - hai công ty khởi nghiệp từng nhận khoản đầu tư hàng triệu USD ở Ấn Độ.
Bên cạnh outsource cho đối tác lớn ở nước ngoài, AgileTech còn hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng sản phẩm cho những startup tiềm năng. Hiện tại AgileTech đã triển khai mô hình này và gặt hái một số thành tựu ban đầu. Dự án AgileTech tham gia với tư cách đồng sáng lập đang sinh lợi nhuận ngay từ giai đoạn đầu.
Shoppie là một trong những sản phẩm nổi bật nhất của AgileTech. Đây là ứng dụng chăm sóc khách hàng dành cho thương nhân. Sản phẩm đoạt giải thưởng Startup Weekend Hà Nội 2013.
Cú sốc lớn nhất của AgileTech xuất phát từ hợp đồng outsoure cho một công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Mọi người dành thời gian và công sức để hoàn thiện sản phẩm cho kịp tiến độ. Nhưng khi sản phẩm hoàn thành, đối tác bên Mỹ ngừng hoạt động do kinh doanh thất bại. Một cú sốc khác là đối tác không thanh toán thù lao cho công ty.Từ những cú sốc ấy, AgileTech trở nên thận trọng và sáng suốt hơn khi lựa chọn hợp động outsource.
Dẫu từng gặp thất bại nặng nề, Tú tâm sự rằng những bài học về phòng ngừa rủi ro thực sự không có ý nghĩa trong thực tế của người khởi nghiệp.
"Mọi xu hướng, diễn biến đều chỉ mang tính thời điểm. Những bài học về phòng ngừa rủi ro chẳng có giá trị đối với mọi start-up trong tương lai", Tú bình luận.
Nhân sự luôn là khó khăn của các startup, đặc biệt là startup công nghệ. Nhiều lúc công ty gặp nhiều nguồn dự án, nhưng vì thiếu nhân lực nên bỏ lỡ cơ hội. AgileTech đang cố gắng tuyển dụng những người trẻ nhiệt huyết và cam kết lộ trình phát triển cho các thành viên.
Về chính sách nhân sự, AgileTech thực hiện mô hình đào tạo theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Những lập trình viên có tay nghề cứng sẽ kèm những người mới vào nghề. Bên cạnh thù lao, môi trường làm việc thoải mái, nâng cao chuyên môn của tất cả nhân viên là mối quan tâm hàng đầu của AgileTech. Ưu tiên phát triển con người chính là chìa khóa để AgileTech kết nối các thành viên cùng nhau.
Một buổi chia sẻ về công nghệ do chuyên gia của AgileTech thực hiện ở Hà Nội. Ảnh: Nhạc Dương |
Kế hoạch sắp tới của Agile Tech là phát triển ứng dụng cung cấp dịch vụ giúp việc theo giờ như dọn nhà, sửa chữa, trông trẻ.
"Khá nhiều ứng dụng về giúp việc đang tồn tại trên thị trường. Điểm khác biệt của mỗi ứng dụng là sự kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ. Chúng tôi cố gắng tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp thị trường, tạo ra đủ tính năng cần thiết cho sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh doanh", anh Tú nói.
Là dân công nghệ và kinh doanh, Tú đánh giá cao vai trò của ngoại ngữ.
"Mọi người nên giỏi ngoại ngữ để có thể tiếp cận tri thức mới nhất của thời đại. Nếu chúng ta đọc sách thì chúng ta sẽ chỉ biết những kiến thức đã cũ. Thậm chí việc đọc những bài báo được dịch ra tiếng Việt cũng không thể giúp bạn cập nhật kiến thức mới nhất", anh bình luận.
Tú cho rằng người thành công nên là một người có những phẩm chất hay ý tưởng duy nhất. Họ không cần là người giỏi nhất, nhưng nên là người đi trước.
"Dự đoán xu hướng tương lai để hành động sớm có vẻ dễ hơn so với trở thành người giỏi nhất", Tú lập luận.