|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mở rộng sân bay Cát Bi lên công suất 13 triệu khách/năm

16:45 | 15/07/2024
Chia sẻ
Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, công suất của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ đạt khoảng 13 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung quy hoạch, thời kỳ 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽcó cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I, công suất phục vụ đạt khoảng 13 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. 

Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Cát Bi sẽ có cấp sân bay 4E (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp I, đạt công suất khoảng 18 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác tại sân bay này là tàu bay code C như A320/A321 và tương đương, code E như B747/B777/B787/A350 và tương đương.

Theo quy hoạch, thời kỳ 2021 - 2030 sẽ mở rộng sân đỗ hiện hữu để đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay. Tầm nhìn đến năm 2050 mở rộng sân đỗ đáp ứng khoảng 40 vị trí đỗ máy bay và dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng).

Thời kỳ 2021 – 2030, sân bay Cát Bi sẽ tiếp tục duy trì nhà ga hành khách T1 hiện hữu, quy hoạch nhà ga hành khách T2 mới tại khu vực phía Đông nhà ga hành khách hiện hữu. Tổng công suất nhà ga hành khách T1 và T2 đạt khoảng 13 triệu hành khách/năm. Mục tiêu đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách, nâng tổng công suất đạt khoảng 18 triệu hành khách/năm.

Đối với nhà ga hàng hoá, thời kỳ 2021 – 2030 sẽ quy hoạch nhà ga hàng hóa tại vị trí phía Tây nhà ga hành khách T1, diện tích khoảng 2,35 ha, công suất khoảng 100.000 tấn hàng hóa/năm và có khả năng mở rộng đáp ứng công suất khoảng 250.000 tấn hàng hóa/năm khi có nhu cầu.

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch nhà ga hàng hóa khu vực phía Nam cho nhu cầu khai thác đến năm 2050, dự phòng nhu cầu phát triển đáp ứng công suất đến 500.000 tấn/năm, diện tích khoảng 8 ha.

Trong các công trình dịch vụ hàng không, quy hoạch còn đặt mục tiêu xây dựng các cơ sở tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; cơ sở cung cấp xăng dầu hàng không; trạm cấp nhiên liệu cho phương tiện, thiết bị hàng không; cơ sở cung cấp suất ăn hàng không; công trình dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay (hangar)...

Quy hoạch xác định, nhu cầu sử dụng đất cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi khoảng 490,61 ha. Trong đó, diện tích đất đề nghị địa phương chuyển giao khoảng 2,59 ha.

Quy hoạch sẽ tiếp tục sử dụng đường Lê Hồng Phong là đường trục chính kết nối khu vực phía Bắc với sân bay Cát Bi, quy hoạch mới tuyến đường nối từ đường Bùi Viện sang đường Ngô Gia Tự. Bên cạnh đó, bổ sung tuyến đường trục kết nối khu vực phía Nam với tuyến đường Vành đai 3 của TP Hải Phòng.

Hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang nghiên cứu triển khai xây dựng thêm nhà ga T2 sân bay Cát Bi với tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, công suất 5 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm, sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách nâng tổng số vị trí đỗ code C lên 26 vị trí đỗ.

Anh My

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.