Chính phủ đề xuất bố trí 18.220 tỷ đồng cho 14 dự án, riêng sân bay Gia Bình, Bắc Ninh 1.000 tỷ đồng
Sáng 27/6 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Thủ tướng, trình Quốc hội một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Tại tờ trình này, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương (NSTW) cho 14 dự án (nếu tính theo phân cấp Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 giao cho hai địa phương thực hiện thì tổng số là 15 dự án).
Chính phủ đề xuất nguồn vốn 13.700 tỷ đồng cho các dự án bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.
Trong đó bao gồm, 10.200 tỷ đồng cho 4 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là Dự án mở rộng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh dự án Cam Lộ - La Sơn 7.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang 1.500 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số một của Bộ Công an 1.500 tỷ đồng; dự án Đường Nguyễn Hoàn và cầu Vượt sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3.500 tỷ đồng dự kiến đầu tư 7 dự án khởi công mới, dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (5 dự án của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ xử lý rà phá bom mìn, vật liệu nổ với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; hai dự án Trụ sở Bộ Công an tổng vốn 1.500 tỷ đồng).
Với 4.520 tỷ đồng còn lại, Chính phủ trình Quốc hội bố trí cho 4 dự án chưa cân đối đủ nguồn để phê duyệt hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm: 2.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang và 2.520 tỷ đồng cho ba dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trong đó, riêng Dự án sân bay Gia Bình, thuộc tỉnh Bắc Ninh của Bộ Công an là 1.000 tỷ đồng; hai dự án của Tòa án nhân dân tối cao để tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở tòa án nhân dân là 1.520 tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023.
Trước đó vào tháng 1/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Sân bay Gia Bình được quy hoạch là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3, sân bay dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO. Sân bay này có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ lực lượng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các loại trực thăng được trang bị; dự bị cho hoạt động bay quân sự và một số hoạt động hàng không dân dụng khác.
Nhiệm vụ chủ yếu của sân bay Gia Bình là phục vụ lực lượng Trung đoàn không quân Công an nhân dân thực hiện bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên loại máy bay trực thăng được trang bị; thực hiện chức năng bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sân bay này cũng là sân bay dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng phòng không - không quân và các hoạt động bay khác trong khu vực phù hợp với điều kiện bảo đảm cho máy bay hạ, cất cánh.
Khi được cấp có thẩm quyền cho phép, sân bay Gia Bình có thể tham gia thực hiện các chuyến bay phục vụ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, logistics, du lịch; tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện; bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng.