|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Mở rộng đội tàu và giá cước thuê tàu tăng là bàn đạp cho đà tăng lợi nhuận của PVTrans'

09:36 | 05/06/2021
Chia sẻ
VNDirect cho rằng giá dầu phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tăng sẽ giúp cho giá cước thuê tàu được hưởng lợi. Đặc biệt kế hoạch trẻ hoá đội tàu có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 10,2% giai đoạn 2021 - 2023.

Kết phiên 4/6, cổ phiếu PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) tăng trần lên 20.050 đồng/cp với thanh khoản đột biến gần 12,5 triệu đơn vị.

Kể từ ngày 20/5 đến nay, cổ phiếu PVT đã tăng khoảng 24% và đặc biệt tăng mạnh trong phiên hôm qua sau thông tin giá dầu vọt lên trên 70 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2019.

Mở rộng đội tàu và giá cước thuê tàu tăng là bàn đạp cho đà tăng lợi nhuận của PVTrans  - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu thô Brent một năm qua. (Nguồn: nasdaq.com).

Báo cáo đầu tháng 6, SSI Research dự báo lợi nhuận của PVTrans sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II.

SSI Research cho rằng công ty có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 khoảng 16,9% với việc tăng trưởng từ đội tàu (ba tàu mới), tăng công suất sử dụng tàu (do giảm bớt việc chờ đợi khi bốc dỡ hàng vì COVID-19 ở thị trường quốc tế), và lợi nhuận từ việc bán tàu. 

Dự phóng mảng vận tải có thể tăng trưởng lợi nhuận gộp ở mức 23% so với cùng kỳ, trong khi mảng FSO/FPSO có thể ghi nhận tăng trưởng 18% lợi nhuận gộp so với cùng kỳ từ việc tăng được giá cho thuê tàu trong môi trường giá dầu cao hơn. 

Cùng quan điểm, Chứng khoán VNDirect cũng dự báo lãi ròng PVTrans có thể tăng gần 14% năm nay lên 760 tỷ đồng.

VNDirect cho rằng giá dầu phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức trước COVID-19 trong nửa cuối 2021có thể giúp OPEC+ tự tin để tăng dần sản lượng, giúp cho giá cước thuê tàu được hưởng lợi. 

Ngoài ra, các khách hàng trong nước của PVTrans cũng được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể cải thiện công suất hoạt động (lên xấp xỉ 90%) và nhà máy lọc dầu Dung Quất trở lại hoạt động hết công suất trong năm 2021.

Tuy nhiên doanh nghiệp lại đặt kế hoạch thận trọng cho năm nay với doanh thu là 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng; giảm lần lượt gần 19% và 51,3% so với thực hiện năm 2020 dựa trên cơ sở giá dầu thấp và quan điểm thận trọng về thị trường vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Động lực tăng trưởng lợi nhuận ròng đến từ kế hoạch mở rộng và giá cước thuê tàu

Cơ sở để VNDirect dự báo tăng trưởng năm nay là kế hoạch mở rộng đội tàu của PVTrans.

Năm 2020, PVTrans công bố kế hoạch đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng để trẻ hóa đội tàu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của công ty trên cả thị trường trong nước và quốc tế. 

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong quý I, doanh nghiệp đã khởi động lại kế hoạch tham vọng này bằng việc giải ngân 477 tỷ đồng so với mức vốn đầu tư trong quý I/2020 là 6,7 tỷ. 

Do đó, VNDirect kỳ vọng PVTrans sẽ giải ngân tổng cộng hơn 4.900 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2023, ước tính được tài trợ bởi 70% vốn vay và 30% vốn chủ sở hữu.

Đối với vận tải dầu thô, ngoài việc dự kiến mua lại một tàu VLCC để vận chuyển dầu thô cho Nghi Sơn trong nửa cuối 2021, VNDirect cho rằng PVTrans sẽ mua thêm một tàu chở dầu Aframax (~120.000DWT), giúp thúc đẩy biên lợi nhuận gộp mảng vận tải dầu thô tăng 2,8 điểm % lên 18,8% trong năm 2021, trước khi đạt lần lượt là 21,5% và 23,3% trong năm 2022 và 2023. 

VNDirect dự báo sản lượng vận tải dầu thô sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 3,7% trong giai đoạn 2021 - 2023.

Đối với vận tải dầu thành phẩm, VNDirect kỳ vọng PVTrans sẽ mua thêm hai tàu chở dầu/hóa chất (13.000 - 25.000DWT) trong năm 2022 - 2023 bên cạnh hai tàu chở dầu/hóa chất đã mua trong quý I/2021, bao gồm PVT Azura (19.945 DWT) và PVT Dawn (13.094 DWT), để nâng cao năng lực vận chuyển. 

Điều này có thể giúp sản lượng vận chuyển dầu thành phẩm đạt tăng trưởng kép là 6,0% trong giai đoạn 2021 - 2023, VNDirect dự báo.

Về vận chuyển LPG, VNDirect dự kiến doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm hai tàu. Một tàu chở khí loại rất lớn (VLGC) có sức chứa 75.000 - 85.000 m3 khí trong năm 2022 khi nhà máy Hyosung LPG dự kiến đi vào hoạt động, kéo theo sản lượng vận tải LPG đạt mức tăng trưởng kép là 8,2% trong giai đoạn 2021 - 2023. 

Với vận tải hàng rời, VNDirect cho biết PVTrans có thể sẽ mua thêm một tàu hàng rời bên cạnh tàu hàng rời vừa mua gần đây (PVT Diamond - 55.623DWT) trong tháng 5/2021, để chuẩn bị cho việc tham gia vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, được kỳ vọng đi vào hoạt động trong năm 2021 với nhu cầu than nguyên liệu vào khoảng 3 triệu tấn/năm. 

Đơn vị phân tích này ước tính sản lượng vận chuyển than của PVTrans sẽ đạt tăng trưởng kép là 36,6% trong giai đoạn 2021 - 2023.

Nhìn chung, nhờ vào kế hoạch mở rộng và giá cước thuê tàu dự kiến sẽ cải thiện, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng kép doanh thu vận tải sẽ đạt 13% trong giai đoạn 2021 - 2023 và đóng góp lần lượt là 71,3%, 73,6% và 75,3% tổng lợi nhuận gộp trong cùng kỳ. 

Qua đó, VNDirect dự báo mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 10,2% trong giai đoạn 2021 - 2023 với sự đóng góp lớn từ mảng vận tải.

Hoàng Kiều