|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mô hình dự trữ chiến lược phòng ngừa khủng hoảng của Thụy Sỹ (Phần 1)

06:53 | 04/04/2020
Chia sẻ
Tuy nhiên, tại thành phố Zurich của Thụy Sỹ, sự thiếu hụt duy nhất ở các siêu thị không phải là hàng hóa mà chính là các khách hàng mua sắm.
Mô hình dự trữ chiến lược phòng ngừa khủng hoảng của Thụy Sỹ (Phần 1) - Ảnh 1.

Mô hình dự trữ chiến lược phòng ngừa khủng hoảng của Thụy Sỹ. Ảnh TTXVN phát

Theo Financial Times, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến nhiều nước đóng cửa, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, và dẫn đến tình trạng các khách hàng trên khắp châu Âu đua nhau mua sắm mì ống, thực phẩm đóng hộp và giấy vệ sinh.

Tuy nhiên, tại thành phố Zurich của Thụy Sỹ, sự thiếu hụt duy nhất ở các siêu thị không phải là hàng hóa mà chính là các khách hàng mua sắm.

* Cách thức ứng phó

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Thụy Sỹ chỉ ở mức tối thiểu nhờ chính sách duy trì kho dự trữ chiến lược phòng ngừa khủng hoảng của đất nước. Tính đến năm 2019, Thụy Sỹ với dân số 8,5 triệu người, đã dự trữ 63.000 tấn đường, 160.000 tấn bột mì trắng cho bánh mì, 33.700 tấn dầu ăn (1/5 trong số đó là để trộn salad và mayonnaise), và gần 400.000 tấn thức ăn chuyên dụng cho ngành công nghiệp sữa.

Werner Meier, người đứng đầu Văn phòng cung ứng kinh tế quốc gia, cho biết lịch sử và địa lý của Thụy Sỹ đã ăn sâu vào tư duy chiến lược về chuỗi cung ứng của đất nước trong nhiều thập kỷ. Mặc dù có một số thách thức trong lĩnh vực hậu cần do nhu cầu rất cao, song hiện tại Thụy Sỹ vẫn cung cấp đầy đủ thực phẩm.

Thụy Sỹ phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu với khoảng 40-50% thực phẩm nhập khẩu, do đó duy trì dự trữ một số hàng hóa là một biện pháp phòng ngừa rất quan trọng. Thụy Sỹ đã thiết kế hệ thống để ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn của thị trường trong trường hợp khủng hoảng không lường trước được - chẳng hạn như đại dịch hiện nay.

Là một quốc gia nhỏ không có biển và phụ thuộc vào nhập khẩu, Thụy Sỹ đã thực hiện các biện pháp kể từ thời Trung cổ để đảm bảo cung cấp thực phẩm quan trọng trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng. Nhưng cho đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hiến pháp không có bất kỳ điều khoản nào về vấn đề chống rủi ro nguồn cung.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Thụy Sỹ đã trải qua sự hỗn loạn do thiếu sự chuẩn bị, điều đó buộc chính quyền phải thành lập Cơ quan thực phẩm liên bang chịu trách nhiệm cho tất cả các nhiệm vụ mua sắm.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thụy Sỹ đã chuẩn bị tốt hơn. Nước này đã sử dụng tất cả các phương tiện kinh tế có sẵn, đặc biệt là kế hoạch Wahlen, được giới thiệu vào năm 1940 để tăng sản xuất nông nghiệp bằng cách sử dụng đất trống. Đầu năm 1955, một luật liên bang mới tập trung rõ ràng vào việc dự trữ bắt buộc áp đặt cho khu vực tư nhân.

* Vai trò khu vực tư nhân

Một đặc điểm nổi bật của hệ thống Thụy Sỹ là sự tham gia của khu vực tư nhân. Andrin Hauri, nhà nghiên cứu cao cấp về rủi ro và khả năng phục hồi tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của ETH Zurich cho biết, đảm bảo an ninh trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trước hết là trách nhiệm của khu vực tư nhân.

Thụy Sỹ tuy không có kho dự trữ trung tâm nhưng thay vào đó, hàng hóa được dự trữ trong kho của các doanh nghiệp phân phối trên toàn quốc. Hơn 250 nhà quản lý cấp cao tại các công ty Thụy Sỹ cập nhật báo cáo tình hình lên Văn phòng cung ứng kinh tế quốc gia về các ngành công nghiệp của họ và phối hợp để tăng cường chuỗi cung ứng.

Trách nhiệm chủ yếu thuộc về khu vực tư nhân, không phải là chính quyền. Ví dụ, một nhà nhập khẩu xăng dầu sẽ được pháp luật yêu cầu lưu trữ một số lượng hàng hóa mà có thể cần để sử dụng khẩn cấp. Điều này tránh sự cần thiết phải xây dựng kho dự trữ lớn ở một địa điểm.

Sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân mang lại lợi thế rất lớn cho Chính phủ Thụy Sỹ. Dự trữ có thể sẵn sàng được đưa vào chuỗi cung ứng bất cứ lúc nào với chi phí thấp.

Đổi lại, Thụy Sỹ tài trợ chi phí lưu trữ của các công ty thông qua một quỹ dự trữ do tổ chức Reservesuisse quản lý. Chi phí quản lý các khoản dự trữ tối thiểu này vào khoảng 14 CHF (13,70 USD) trên mỗi người dân mỗi năm.

Bên cạnh đó, niềm tin của công chúng vào chính quyền là tương đối cao, ít người cảm thấy hoảng loạn và đổ xô đi mua hàng hóa. Người Thụy Sỹ được khuyên nên có 9 lít nước đóng chai mỗi người, đủ thực phẩm trong một tuần, bếp ga, radio, nến, giấy vệ sinh, một số thuốc men và tiền mặt.

Chính phủ Thụy Sỹ khuyến khích dự trữ trong nước bắt đầu từ năm 1968. Các nhà lập pháp Thụy Sỹ đã cập nhật kế hoạch dự phòng và chiến lược dự trữ vào năm 2016, khi Bern ngày càng lo ngại về sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại.

Tố Uyên

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.