|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thụy Sỹ thu hút số lượng kỉ lục lao động nước ngoài đến làm việc

22:23 | 14/11/2019
Chia sẻ
Bang Ticino có khoảng 67.800 công nhân đến từ các nước láng giềng của Thụy Sĩ, trong khi bang Geneva có 85.100 người.
Thụy Sỹ thu hút số lượng kỉ lục lao động nước ngoài đến làm việc - Ảnh 1.

Số lao động người Pháp đến Thụy Sĩ làm việc tăng nhiều nhất trong 2019. (Nguồn: thelocal.ch)

Số người từ các nước láng giềng sang làm việc ở Thụy Sĩ đạt kỷ lục 325.000 người trong năm nay với sự gia tăng mạnh ở các bang Ticino và Geneva.

Sau khi giảm nhẹ vào năm 2018, thị trường việc làm Thụy Sĩ một lần nữa thu hút lao động xuyên biên giới với số lượng cao kỷ lục trong lịch sử.

Trong quý 3/2019, khoảng 325.291 người nước ngoài đến làm việc ở Thụy Sĩ, vượt qua kỷ lục trước đó là 316.491 người được thiết lập vào năm 2017.

Dẫn đầu mức tăng nhảy vọt của lao động xuyên biên giới là cư dân Pháp (tăng 7.166 người trong một năm) và người Italy (tăng 5.551 người).

Tuy nhiên, số lượng người Đức đi làm ở Thụy Sĩ vẫn ổn định (chỉ tăng 25 người).

Bang Ticino có khoảng 67.800 công nhân đến từ các nước láng giềng của Thụy Sĩ, trong khi bang Geneva có 85.100 người.

Giovanni Ferro Luzzi, giáo sư kinh tế thuộc trường đại học Geneva, nhận xét tình hình thị trường việc làm ở Đức tốt hơn ở Pháp và Italy, cho dù tính theo tỷ lệ thất nghiệp hay tiền lương.

Thị trường lao động Đức cũng linh hoạt và ít ràng buộc đến hợp đồng lao động dài hạn hơn.

Thêm vào đó, sức mua ở Đức lớn hơn nên thời gian dành cho việc đi lại qua biên giới ít hấp dẫn hơn đối với người Đức so với người Italy và người Pháp.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng phần lớn là nhờ nền kinh tế Thụy Sĩ và thị trường lao động đều ổn định.

Số lượng công nhân xuyên biên giới từ Italy, Pháp và Đức sang Thụy Sĩ làm việc ngày càng tăng kể từ năm 2003.

Tuy nhiên, phân tích gần đây nhất của Viện Kinh tế Thụy Sĩ tại Học viện Công nghệ Liên bang ETH Zurich cho thấy triển vọng của thị trường lao động Thụy Sĩ khá ảm đạm trong ngắn hạn.

Các chỉ số việc làm đối với ngành công nghiệp đã giảm mạnh, mặc dù vẫn có sự lạc quan về vấn đề nhân sự trong các ngành dịch vụ, xây dựng và ngân hàng.

Nhìn chung, đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu dường như đang bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian mới có thể khẳng định liệu sự suy giảm tăng trưởng này có ảnh hưởng đến số lượng lao động xuyên biên giới hay không.

Tố Uyên