|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mirae Asset: Lãi suất cao và lạm phát tạo áp lực lên nhu cầu tiêu thụ dệt may 2023

15:19 | 13/02/2023
Chia sẻ
Theo Mirae Asset, nhu cầu về hàng dệt may trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế khó khăn trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục ở mức cao và các ngân hàng trung ương duy trì tăng lãi suất.

Báo cáo ngành dệt may 2023 của công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng lãi suất cao và lạm phát tạo áp lực lên nhu cầu tiêu thụ năm nay.

Cụ thể, theo Mirae Asset, nhu cầu về hàng dệt may trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế khó khăn trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục ở mức cao và các ngân hàng trung ương duy trì tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, giá cotton cuối tháng 1/2023 đã về quanh mức trung bình giai đoạn 2012-2019 là khoảng 80 USD cho thấy tín hiệu về nhu cầu sụt giảm của chuỗi cung ứng ngành này.

Chuyên gia Mirae Asset đánh giá nhu cầu về hàng dệt may sẽ yếu đi do lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh đến tình hình xuất khẩu trong tháng đầu năm. Kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và mức nền cao trong tháng 1/2023, xuất khẩu mặt hàng sợi và hàng dệt may đã ghi nhận tháng sụt giảm mạnh, lần lượt giảm 47,8% và 30,7% so với cùng kỳ với giá trị ước đạt 247 triệu USD và 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, đối với mảng sợi, đây là giá trị xuất khẩu thấp nhất trong cùng kỳ từ năm 2018.

Hoạt động sản xuất cho tín hiệu suy giảm khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) mảng may mặc giảm 21% so với cùng kỳ trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất từ khi COVID-19 bùng phát năm 2020. Đây là tháng thứ 5 sụt giảm liên tiếp của chỉ số này cho thấy nhu cầu đang ở mức thấp.

 

Đối với các nước tiêu thụ chính mặt hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam, chuyên gia Mirae Asset cho biết, dự phóng tăng trưởng GDP năm 2023 ở Mỹ tăng 0,5%, Nhật Bản tăng 1% và EU giữ nguyên của World Bank ở mức thấp, kết hợp với việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ gây lo ngại về kịch bản suy thoái.

Chỉ số CPI tháng 12/2022 của các thị trường như Mỹ (+6.5%), EU (+9.2%), vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tình huống này tạo áp lực lên nhu cầu tiêu dùng chung cũng như nhu cầu về hàng dệt may. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại các thị trường lớn đang tương đương hoặc thậm chí thấp hơn các đợt khủng hoảng tài chính. 

Ngoài ra, ngành dệt may cũng đối mặt với rủi ro đối tác tăng lên trong ngắn hạn, bởi bên cạnh khả năng nhu cầu suy giảm, nền kinh tế khó khăn gia tăng rủi ro liên quan đến đối tác thương mại ở các thị trường xuất khẩu chính. 

Mặc dù triển vọng kinh tế chung nhiều khả năng gặp khó, tuy nhiên ngành dệt may tại Việt Nam trong năm 2023 vẫn có sự hỗ trợ tích cực ở một số khía cạnh.

Chuyên gia cho rằng bán lẻ hàng thời trang ở các thị trường chính vẫn tăng trưởng dương cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thời trang vẫn được duy trì mặc dù triển vọng kinh tế kém khả quan.

Chuỗi giá trị ngành dệt may thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế thấp khiến chi phí đầu vào của ngành dệt may như giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải biển giảm mạnh. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát tăng cao và giá bán đầu ra gặp áp lực vì lực cầu giảm.

 

Ngoài ra, áp lực từ việc mở cửa ồ ạt sau đại dịch giảm bớt giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng sẽ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu ngành dệt may, giúp các doanh nghiệp chủ động về mua nguyên vật liệu và tính toán thời gian giao hàng, giảm thiểu các chi phí vận chuyển.

Đặc biệt, trong năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam), trong đó các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Mirae Asset cho rằng điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường này, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.

Bên cạnh EU, các thị trường thuộc khuôn khổ CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) như Canada ( tăng 44%), Mexico (tăng 68%) đã ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, cho thấy khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.

"Chúng tôi dự phóng tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam trong năm 2023 có thể giao động trong phạm vi giảm 4% đến tăng 2% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sợi nhiều khả năng sẽ đi ngang so với năm 2022", chuyên gia Mirae Asset nhận định.

Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.