|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Midcap và Penny nổi sóng trước kì nghỉ lễ

08:00 | 28/04/2019
Chia sẻ
Sau hai tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự hồi phục trở lại dù thanh khoản vẫn ở mức thấp. Đáng chú ý, ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí và tài chính tăng tích cực, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng thu hút dòng tiền.

Kết phiên 26/4, VN-Index tăng 13,43 điểm (+1,4%) so với cuối tuần trước lên 979,64 điểm; HNX-Index tăng 1,58 điểm (+1,5%) lên 107,46 điểm. 

Các cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất đến VN-Index tuần qua là GAS, VIC, VHM, VRE và HPG với mức đóng góp lần lượt là 3,85 điểm, 3,50 điểm, 3,06 điểm, 1,49 điểm và 1,29 điểm tăng.

Thanh khoản trung bình phiên trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó, khoảng 3.100 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,5% lên 14.017 tỉ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch tăng 27,9% lên 767 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,9% lên 1.685 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 29% lên 162 triệu cổ phiếu. 

Với việc thị trường hồi phục trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành đều giao dịch tích cực. Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa. Trong đó, GAS (+6,2), PLX (+2,6%), PVB (+0,5%), PVC (+2,9%), PVD (+0,8%), PVS (+4,5%)... 

Nhóm cổ phiếu tài chính tăng 2,6% giá trị, với các mã tiêu biểu trong ngành con bất động sản như VIC (+3,3%), VHM (+3,4%), VRE (+6,2%)... Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 1,1% giá trị vốn hóa, do đà giảm của các mã như VNM (-2,4%), MSN (-0,8%), SAB (-0,5%)...

Midcap và Penny hút dòng tiền

Midcap và Penny nổi sóng trước kì nghỉ lễ - Ảnh 1.

Nguồn: NH tổng hợp

FDC (CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với 6 phiên tăng trần liên tiếp, tiếp theo là PTC (CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện) với mức tăng 18% từ 5.680 đồng lên 6.700 đồng. 

Ở chiều ngược lại, HVG (CTCP Hùng Vương) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 25% từ 7.450 đồng xuống 5.570 đồng do ghi nhận 4 phiên giảm sàn liên tiếp.

Ngày 26/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/8/2016 - 31/7/2017.

Cụ thể, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Công ty Cổ phần Hùng Vương là 3,87 USD/kg. Trước đó, với kết quả sơ bộ công bố ngày 10/9/2018 của DOC, Hùng Vương có thể sẽ được áp dụng mức 0%. Thông tin này đã khiến cổ phiếu của HVG trong phiên 26/4 nhanh chóng giảm sàn và mất 31% thị giá so với mức đỉnh đạt được trong ba tháng gần đây.

Cổ phiếu VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) cũng giảm sàn 4 phiên trước khi hủy niêm yết vào ngày 23/5. Trước đó, cổ phiếu này từng ghi nhận 24 phiên tăng trần liên tiếp, ghi nhận mức tăng 75% kể từ đầu năm nay. Thậm chí, chênh lệch mức tăng giữa thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh (1.940 đồng/cp) và chạm đáy hồi đầu tháng 3 (370 đồng/cp) lên tới hơn 424%, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. 

Ngoài ra, cổ phiếu TTF (CTCP Tập đoàn Kĩ nghệ Gỗ Trường Thành) cũng bị hạn chế về thời gian giao dịch từ ngày 6/5/2019 do lỗ sau thuế hai năm liên tiếp.

Trên HOSE, khối ngoại mua ròng với giá trị 62,82 tỉ đồng. Xét theo khối lượng ròng, mã được mua ròng nhiều nhất là VRE với 2,8 triệu cổ phiếu, tiếp theo là HPG với 2,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VCI là mã bị bán ròng nhiều nhất với 5,5 triệu cổ phiếu.

Midcap và Penny nổi sóng trước kì nghỉ lễ - Ảnh 2.

Nguồn: NH tổng hợp

Cổ phiếu PVV (CTCP Vinaconex 39) tăng mạnh nhất trên sàn HNX, tiếp theo là BII (CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư) với mức tăng 33% từ 900 đồng lên 1.200 đồng. Ở chiều ngược lại, KSK (CTCP Khoáng sản Luyện kim màu) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất.

Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng trên sàn HNX khoảng 2,23 tỉ đồng. Xét theo khối lượng ròng, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là SHS với 1,1 triệu cổ phiếu, tiếp theo là PVC với 104.000 cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, TIG (CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long) là mã được mua ròng nhiều nhất với 573.000 cổ phiếu.

Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 2578/UBCK-QLKD đề nghị các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống và giới thiệu nhà đầu tư về chứng quyền có đảm bảo. 

Nội dung chính của công văn bao gồm, khẩn trương cập nhật, sửa đổi, bổ sung các thông tin trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm; tiếp tục thử nghiệm hệ thống, rà soát các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro để đảm bảo việc giao dịch chứng quyền không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư; chủ động tổ chức giới thiệu, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư liên quan đến giao dịch chứng quyền có bảo đảm. 

Sản phẩm phái sinh thứ 2 là Chứng quyền có bảo đảm được dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 28/6 tới đây. 

Đối với nhà đầu tư, đây là sản phẩm mang lại lợi ích như sử dụng tác dụng đòn bẩy, lợi nhuận không hạn chế nhưng khoản lỗ tối đa cố định, có thanh khoản và phí giao dịch thấp. Nhưng sản phẩm này lại có mặt hạn chế là không có quyền cổ đông. 

Đối với các công ty chứng khoán, Covered Warrant giúp đa dạng nguồn thu và ổn định ngay cả khi thị trường giảm giá một chiều, song buộc các CTCK phải kiểm soát được rủi ro thanh khoản của cả chứng quyền lẫn tài sản cơ sở. 

Việc có thêm nhiều sản phẩm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội chọn lựa hơn cũng như giúp cho TTCK trở nên hấp dẫn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư nội và ngoại, trở thành kênh đầu tư tài chính, thu hút nguồn vốn trong tương lai.

Nhật Huyền

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.