|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MBS: VN-Index hướng lên vùng 1.250 - 1.280 điểm năm 2024 nhờ loạt yếu tố hỗ trợ tích cực

15:21 | 22/12/2023
Chia sẻ
Báo cáo chiến lược 2024 của Chứng khoán MB (MBS) nghiêng về kịch bản tăng điểm cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. VN-Index dự báo đạt vùng 1.250 – 1.280 điểm.

TTCK Việt Nam thường khả quan trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ

Báo cáo chiến lược 2024 của MBS cho biết trong năm sẽ có 40 cuộc bầu cử quốc gia trên toàn cầu, đại diện cho hơn 41% dân số thế giới và 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Các quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2024 có quy mô và tầm ảnh hưởng khác nhau như Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela, Mexico, Nga, Mỹ… Bắt đầu với Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 1, làn sóng các cuộc đua sẽ lên đến đỉnh điểm với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Lịch sử chỉ ra, hiệu suất của S&P500 trong 27 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dường như mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với 21 tháng sau cuộc bầu cử. Trong nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống Mỹ, TTCK Mỹ (đại diện là S&P500) trung bình đạt hiệu suất tốt nhất vào năm thứ ba, trung bình hiệu suất các năm còn lại giảm dần theo thứ tự là bốn, hai và một. Trong các kỳ bầu cử trước đây, lịch sử thường đứng về phía tổng thống đương nhiệm khi nói đến cuộc bầu cử thực tế.

Sự biến động có thể gia tăng trước khi ngày bầu cử diễn ra, song kịch bản tăng giá trên TTCK Mỹ chiếm ưu thế áp đảo trong năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thống kê của MBS, từ năm 1928 đến năm 2020, có 20/24 lần S&P500 tăng điểm trong năm bầu cử. Chỉ duy nhất năm 2008 (xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu), S&P 500 chứng kiến mức sụt giảm mạnh xấp xỉ 37%, ba lần sụt giảm còn lại đều không quá 10%.

Tại TTCK Việt Nam, diễn biến chỉ số VN-Index 5 lần gần nhất trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ có tới 4/5 lần với mức tăng điểm, hiệu suất trung bình của VN-Index trong 4 lần tăng là xấp xỉ 24%. Lần giảm điểm còn lại rơi vào năm 2008 (xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu).

Hiệu suất quá khứ không thể đảm bảo cho lợi nhuận trong tương lai và luôn có khả năng thị trường sẽ hoạt động theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến hiệu suất trong lịch sử, các chuyên gia kỳ vọng nghiêng về kịch bản tăng điểm cho cả TTCK Mỹ và Việt Nam trong năm 2024.

 

Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng 17% trong 2024

Đánh giá về triển vọng TTCK, đầu tiên, MBS nhận thấy đà giảm của lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết đã thu hẹp đáng kể trong quý III, với mức giảm chỉ 1,5% so với cùng kỳ (quý II giảm 14%; quý giảm 21%). Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV, từ đó đưa lợi nhuận thị trường cả năm 2023 giảm 2% so với năm 2022.

Trong năm 2024, kỳ vọng lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8%, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

 

Định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, nếu đặt trong mối tương quan giữa TTCK và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn COVID-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 19,2%.

Nhìn về năm 2024, những yếu tố tích cực hỗ trợ cho TTCK Việt Nam vẫn hiện hữu.

Thứ nhất, MBS kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% cuối năm 2024. Thông trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

Thứ hai, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.

 

Thứ ba, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở TP HCM và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Thứ tư, TTCK Việt Nam nói riêng cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam.

Vì vậy, định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên 1.250 – 1.280 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E 12 – 12,5 lần. Các yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường bao gồm: thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên TTCK. Lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 – 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.

Xuân Nghĩa